“Nhà gốm Tư Buôi” - Một tình yêu mãnh liệt với nghề gốm đỏ

03/12/2020 3645 1

Như chúng ta đã biết, nghề gốm ở Vĩnh Long manh nha hình thành vào những năm 80 và đến những năm 90 gốm đỏ của Vĩnh Long mới ký kết hợp đồng xuất khẩu. Nghề gốm Vĩnh Long phát triển mạnh mẽ những năm 2007 - 2008. Nhiều doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, chủng loại sản phẩm cũng có sự phát triển đa dạng để xuất khẩu. Sản phẩm gốm giai đoạn này phát triển với hai dòng sản phẩm chính là gốm trang trí sân vườn và gốm xây dựng, nội thất.

Hình ảnh tái hiện cảnh con trâu kéo xe

Một trong những người đi tiên phong trong tạo ra sản phẩm gốm gắn với xây dựng, nội thất là chú Tư Buôi (tên đầy đủ là Nguyễn Văn Buôi) - Cái tên quen thuộc với khá nhiều người vùng gạch gốm Mang Thít và Long Hồ. Gia đình chú có truyền thống làm nghề gốm đỏ và có những giai đoạn cũng thăng trầm với nghề. Bản thân chú cũng theo nghề này từ nhỏ, đến nay cũng đã mấy chục năm nên tình yêu của chú dành cho gốm là vô bờ bến. Và câu chuyện về ngôi nhà gốm - độc đáo bậc nhất cả nước tọa lạc tại phường 5, TP. Vĩnh Long đã xuất phát từ đây.

Từ năm 2009, chú tư Buôi đã có những ý tưởng phá cách đối với sản phẩm gốm nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, ý tưởng khá độc đáo là xây dựng căn nhà hoàn toàn bằng gốm. Tuy nhiên, do khó khăn về kinh tế, chú đành ngậm ngùi tạm gác ý tưởng. Thời gian sau đó, với nhiều văn bản của Trung ương và tỉnh ban hành nêu rõ chủ trương khuyến khích sản xuất và ưu tiên sử dụng vật liệu không nung, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung, tiếp tục xây dựng lộ trình phù hợp với từng địa phương để sớm chấm dứt sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công gây ô nhiễm môi trường, nghề gạch gốm ở Vĩnh Long cũng lâm vào nhiều khó khăn. Chú tư cho biết, từ giai đoạn 2014 trở đi làng nghề làm gốm cũng dần bị tác động, đìu hiu hơn trước, quay lại với những ý tưởng trước đây nhằm mục đích tạo sự phá cách - khoác lên chiếc áo mới cho gốm, hướng ra mới cho sản phẩm, chú tư đã mạnh dạn thực hiện ý tưởng táo bạo của mình là tạo ra sản phẩm gốm gắn với công trình xây dựng sắc sảo và không gì hơn là làm bằng chất liệu hoàn toàn gốm, có thể xây dựng được một căn nhà hoàn chỉnh kiểu Nam Bộ xưa. 

Khu vực phục vụ bánh dân gian bên hông nhà

Ý tưởng thì dễ nhưng từ ý tưởng trở thành sản phẩm thực tiễn là không hề dễ chút nào. Từ tháng 4/2018, chú tư đã dành khá nhiều thời gian để tham quan các kiểu nhà Nam bộ xưa, ưng ý nhất là căn nhà kiểu "ba gian, hai chái". Mặc dù là người “tay ngang” về lĩnh vực kiến trúc nhưng với tình yêu dành cho gốm, chú tư đã tự thiết kế bản vẽ, tự tính toán kỹ thuật và phác họa từng chi tiết kết cấu cho căn nhà. Qua bàn tay tài hoa của đội ngũ thợ lành nghề, các phần cột, hoa văn, kết cấu căn nhà dần được làm ra. Căn nhà được khởi công và chỉ trong vòng 3 tháng căn nhà đã lắp ráp xong khung sườn. Khi hoàn thiện, nhà có diện tích gian chính khoảng 200 m2, khu nhà sau 100 m2. Vách tường nhà được xây bằng gạch ống kích thước lớn gần gấp đôi gạch thường, không tô do chính chủ nhân ngôi nhà sản xuất. Ngoài ra còn có những công trình phụ để minh họa cho căn nhà. Hoa văn trên chất liệu gốm rất đẹp, về mặt chế tác thì độ thẩm mỹ được đánh giá cao. Những hàng cột gốm ngoài mái hiên được thiết kế, trang trí theo các chủ đề của đất phương Nam như: nông nghiệp lúa nước, lễ hội, thời khẩn hoang…Riêng cột kèo trong gian nhà chính được lấy cảm hứng từ những họa tiết trên trống đồng Đông Sơn. Những đầu giáo dùng để nối kèo với cột cũng được thiết kế bằng các con vật gần gũi trong cuộc sống hằng ngày như: tôm, cua, gà, cá, khỉ... Còn tường rào thì trang trí bích họa gốm đỏ mỹ thuật. Trong nhà, những rui, mè, kèo, cột, đòn dông, mái nhà cũng đều bằng gốm đỏ. Tất cả đều là tâm huyết và sự kỳ công của nghệ nhân muốn “thổi hồn” và tìm hướng mới cho cái nghề ông cha.

Cảnh vật bên trong ngôi nhà gốm – phòng khách

Nhằm tạo điểm nhấn cho ngôi nhà, chú Tư Buôi còn “mạnh tay” chi tiền mua sắm toàn bộ nội thất bằng gỗ bên và gõ mật rồi đem đi tạo tác theo kiểu giả cổ cho phù hợp tổng thể ngôi nhà kiểu nhà tầng lớp địa chủ dưới chế độ phong kiến; vật dụng trang trí bên trong các phòng: phòng bà cả, bà hai, bà ba và phòng chờ của bà tư phía sau khá sắc sảo qua những họa tiết, hoa văn tinh tế của các món đồ gỗ quý như: giường ngủ, đi văng, tủ thờ, ghế kiểu,… Ngoài ra, chú còn sưu tầm đồ đồng xưa quý hiếm như bộ dụng cụ sinh hoạt bằng đồng thau cổ, bàn ủi xưa của Pháp, lò xo của Đức, bộ cân đòn của người Việt xưa, đặc biệt là bộ 100 chiếc đèn cổ với những kiểu dáng vô cùng độc lạ được mua ở Việt Nam và cả ở Pháp mang về.

Bên ngoài hiên nhà còn trưng bày các nông cụ, vật dụng, mô hình vật nuôi,… nhằm tái hiện đời sống sinh hoạt nông thôn Nam Bộ mang đậm nét của nền văn minh lúa nước. Thời gian qua, nhằm quảng bá ngôi nhà gốm đến với mọi người, chú tư đã cho khách vào tham quan và check in trong căn nhà gốm của mình, qua đó để phục vụ nhu cầu cho du khách, chú có bố trí các quầy phục vụ các loại bánh dân gian ở khu vực bên hông nhà như: bánh tằm, bánh bò, bánh lá, tàu hủ, bánh lọt, bánh tét và các loại nước uống do gia đình làm phục vụ du khách tham quan. Nơi đây, cũng có chuẩn bị trang phục của tầng lớp địa chủ và người nông dân thời phong kiến cho khách tham quan muốn nhập vai thuê mặc để check in. Tuy sống trong thời đại, nhưng khi mọi người đến nơi này sẽ cảm giác như sống lại những câu chuyện trong tiểu thuyết của tác giả Hồ Biểu Chánh. Cách bày trí không gian nơi đây sẽ gợi cho chúng ta như đang quay trở về với những nét cổ xưa truyền thống.

Cổng vào nhà gốm của chú tư Buôi

Chú Tư Buôi khẳng định việc xây căn nhà gốm đỏ hoành tráng tại Phường 5 - TP. Vĩnh Long không phải là chơi ngông mà muốn thể hiện tình yêu với nghề gốm đỏ theo cách riêng của mình. Với điểm đặc biệt của căn nhà là 90% làm bằng gốm đỏ của chú tư - có thể nói căn nhà này là độc lạ nhất ở Việt Nam cho đến thời điểm này, với giá trị hoàn thành căn nhà gần 5 tỷ đồng và nhiều mồ hôi tâm huyết của người con làng gốm chứa đựng trong đó -  hy vọng những điều chú tư táo bạo làm nên sẽ tạo đà để giúp vực dậy làng nghề gốm địa phương đang dần bị mai một.

Nếu đến Vĩnh Long, hãy thử một lần dừng chân ghé lại, trải nghiệm câu chuyện tình yêu nghề gốm của chú tư, tham quan nét độc đáo cổ kim của căn nhà gốm và hiểu hơn truyền thống làng nghề gạch gốm Vĩnh Long, một thời được mệnh danh là “Vương quốc gốm đỏ”, “Thủ phủ gạch gốm” Vĩnh Long./.

                 Thanh Vy

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu