NHỮNG TRUYỆN KỂ DÂN GIAN QUANH BIỂU TƯỢNG KIẾN TRÚC CHÙA PHẬT GÁO KHMER

06/10/2023 717 0

Kỳ 3: “Thần thánh hóa” hình tượng linh vật

Linh vật được hiểu là những động vật được con người thần thánh hóa, gắn lên bản thân nó những phép màu. Phật giáo cho rằng, quỷ thần cũng là một dạng chúng sinh như loài người, cũng là loài hữu tình mà không hề có quyền uy chủ thể, có tác động quyết định đến số phận con người. Điều này cắt nghĩa sự tồn tại một tập hợp linh vật trong kinh văn cũng như trong các dạng thức văn hóa, nghệ thuật Phật giáo, bao gồm cả nghệ thuật biểu diễn, lẫn nghệ thuật tạo hình.

Chim thần Krut- Biểu tượng cho quy y Tam bảo

Chim thần Krut được nghệ nhân Khmer trang trí với hình tượng nhân cách hóa, có hình dáng con người, đầu chim, hai chân đứng thẳng trên bệ đỡ bằng xi măng, hai bên tay có đôi cánh xòe rộng để giữ thăng bằng, hai tay nâng đỡ bờ mái chánh điện.

Về nguồn gốc, hình tượng chim thần Krut có xuất xứ từ Bà La Môn giáo. Chim thần Krut hay còn gọi là Garuda, là vật cưỡi của thần Vishnu, một trong những vị thần tối thượng của đạo Bà La Môn. Khi nói đến chim thần Krut, từ trước đến nay từ Bà La Môn giáo cho đến Phật giáo có nhiều câu chuyện dị bản kể về mối thù truyền kiếp giữa chim thần Krut với rắn thần Naga. Cả Krut và Naga đều là con của một nhà hiền triết, nhưng khác mẹ. Khi sinh ra, Krut có thân hình vạm vỡ, sức mạnh dũng mãnh, biểu thị cho một loài chim săn mồi. Theo truyền thuyết, thì Krut còn bị đọa đày sau khi mẹ của Krut thua mẹ của Naga trong một lần cá cược, vì thế khi Krut và Naga gặp nhau đã sinh ra xung đột. Mối xung đột này đã kéo dài, trải qua nhiều thế kỷ, nhưng có một điểm chung nhất là kết quả cho mỗi lần xung đột thì Krut luôn là người chiến thắng.

Để hóa giải mối hận thù này, trong Phật thoại vẫn còn lưu truyền về câu chuyện Phật đã thu nạp chim thần Krut và rắn thần Naga (trong câu chuyện này, Naga được tác giả đề cập đến là rồng, chứ không phải rắn). “Kinh Phật ghi rằng, Garuda (tức chim thần Krut) là một loài đại bàng cực lớn, với sải cánh hàng nghìn, thậm chí hàng vạn dặm chuyên ăn thịt rồng. Do Garuda tàn sát loài rồng quá mạnh, đã khiến Long Vương vô cùng kinh hoảng, bèn xin Phật cứu giúp tộc rồng. Đức Phật bèn lệnh cho Long Vương thống lĩnh cả gia tộc rồng tiếp nhận bát quan trai giới và ban cho Long Vương một tấm cà sa cũ, dặn Long Vương xé ra phát cho mỗi rồng cháu, rồng con một dải buộc lên sừng. Long Vương làm theo lời dặn của Phật, quả nhiên từ đó về sau, Garuda không còn bắt rồng ăn thịt nữa. Long Vương sinh lòng đại hoan hỷ, bèn quy y cửa Phật và trở thành thần Hộ pháp của Phật giáo.

Tuy rằng tộc rồng đã được bảo vệ, nhưng Garuda không ăn được thịt rồng trở nên đói khát, bèn tìm đến Phật biện bạch. Đức Phật nói rằng: “Ngươi ăn thịt rồng là tạo nghiệp sát sinh, kiếp sau sẽ gặp quả báo. Nếu như ngươi biết quy y tam bảo, trì thủ ngũ giới, ta sẽ căn dặn đệ tử tam bảo hằng ngày cho ngươi một bữa cơm chay trong khi cúng Phật, ngươi ăn tự nhiên sẽ thấy no. Như vậy, không cần phải tìm rồng ăn thịt nữa. Garuda nghe lời, bèn quy y tam bảo, tiếp nhận ngũ giới, trở thành thần Hộ pháp của Phật giáo”.

Từ sự hóa giải của đức Phật đối với mối thù truyền kiếp của 2 loài vật này đã kịp thời ngăn chặn được những cuộc tàn sát giữa Garuda với Naga, để 2 loài vật giảm được oán nghiệp về sau. Sâu xa hơn, qua đây cho thấy được sự huyền diệu của Phật pháp, không ghét bỏ cái ác, mà cảm hóa cái ác và luôn bao dung rộng lượng đón nhận những người, những vật tuy bản thân trước làm điều ác đã biết hướng thiện, cải tà quy chánh, quay về với tâm thiện, để cùng với Naga chung tay bảo hộ Phật pháp, làm những vị thần phò trợ tích cực cho đức Phật.

Hổ phù- Lý giải nhật thực, nguyệt thực

Hổ phù, người Khmer gọi là Reahu, là hình tượng được đắp nổi trang trí mặt bên ngoài cổng chùa Phật giáo của người Khmer, cụ thể là trên nóc cổng, nằm ở vị trí trung tâm cổng ra vào phía dưới những ngọn tháp. Reahu được tạo tác với hình dáng mặt mài dữ tợn, có hai hàm răng nhọn lởm chởm, nhưng chỉ có nửa thân trên đang ngậm mặt trời hoặc mặt trăng.

Xuất phát từ truyện thần thoại Hindu, Reahu có liên quan đến truyền thuyết về biển sữa ở Ấn Độ xưa kia, đó là truyền thuyết “Khuấy biển sữa”. “Vì In-đra làm mất lòng đạo sĩ Đuyếc-va-sa, nên đạo sĩ đã phù chú làm cho tất cả các thần linh bị mất phép thiêng và kiệt sức. Quỷ Ba-li là vua của các loài quỷ a-su-ra kéo đến đánh các thần. Nhưng vì kiệt sức, các thần bị thua, phải cầu cứu thần Vishnu. Thần Vishnu mách bảo phải kiếm được vị thuốc trường sinh ở dưới đáy biển sữa để uống thì các thần mới phục hồi được sức lực. Nghe đến việc tìm thuốc trường sinh, cả thần và quỷ đều vui mừng nên thần và quỷ tạm hòa với nhau cùng khuấy động biển sữa tìm thuốc trường sinh.

Các thần nhổ núi Mê-ru làm trụ trời để khuấy biển sữa. Con rắn thần khổng lồ Va-su-ki (một biến thể của rắn thần Sê-sa) được dùng làm dây kéo, cuộn vào cột núi Mê-ru để thần nắm một bên và quỷ nắm một bên thi nhau kéo để xoay chuyển núi, khuấy biển sữa dậy sóng sùng sục. Bị khuấy động mạnh, núi Mê-ru càng lún sâu xuống biển, nên không xoay chuyển được, Vishnu bèn hóa thành một con rùa khổng lồ, lặn xuống đáy biển, lấy mai làm trụ đỡ núi và việc khuấy biển lại tiến hành thuận lợi.

Mặt biển sữa bị khuấy động, lần lượt nổi lên những báu vật trước kia bị chìm xuống đáy sâu…và cuối cùng là thầy thuốc Đan-van-ta-ri với chén thuốc trường sinh am-ri-ta. Thấy vậy, thần và quỷ cùng xô lại tranh nhau uống thuốc. Vishnu bèn hóa thành nàng Mô-hi-ni xinh đẹp lẳng lơ kéo lũ quỷ háo sắc sang một bên rồi đưa thuốc trường sinh cho các vị thần uống để lấy lại sức. Khi đó một con quỷ tên là Rahu (Reahu) đã lẻn đứng vào hàng ngũ các thần để được uống thuốc trường sinh. Khi Reahu vừa uống xong, thì bị thần Mặt Trời và thần Mặt Trăng phát hiện báo cho Vishnu. Vishnu đã chặt đứt ngang thân Reahu thành hai mảnh. Do đã uống thuốc trường sinh, hai mảnh thân của quỷ vẫn còn sống và biến thành hai vì sao là Reahu và Ketu. Để trả thù kẻ đã tố cáo mình, Reahu luôn tìm cách bắt nuốt mặt trời và mặt trăng. Việc này đã tạo nên hiện tượng nhật thực, nguyệt thực”.

Với hiện tượng có liên quan đến nhật thực, nguyệt thực, nên hình tượng Reahu còn được ví là người đứng đầu các hành tinh, có ảnh hưởng lớn đến nghệ thuật tạo hình và là một trong đối tượng quan trọng của ngành chiêm tinh… “Trong thiên văn học, Reahu và Ketu biểu thị hai điểm giao nhau trên đường đi của mặt trời và mặt trăng khi chúng di chuyển trên bầu trời. Thực tế đó dẫn đến việc che khuất mặt trời và mặt trăng, làm phát sinh thần thoại nuốt mặt trời”.

Biểu tượng Reahu được người Khmer Vĩnh Long đắp nổi, trang trí trước cổng chùa, chung quy cũng nhằm mục đích tận dụng sức khỏe mạnh mẽ và dáng vẻ hung hăng dữ tợn của Reahu để phòng trừ sự phá hoại của những thế lực có thể làm tổn hại đến chùa và chúng sinh sống xung quanh chùa. Qua đó, cũng nói lên đức Phật có đức hiếu sinh và đủ pháp năng để chế ngự tất cả cái ác hiển hiện trong xã hội và giáo hóa sinh linh cần năng hướng thiện tránh điều dữ, chỉ có như thế mới không gây tác hại đến bản thân và cộng đồng xã hội (Còn tiếp).

Bài, ảnh: MINH TRIẾT

Chú thích ảnh:

Hình tượng chim thần Krut và Hình tượng Hổ phù giải thích cho hiện tượng nhật thực, nguyệt thực

* Tài liệu tham khảo

- Huỳnh Thanh Bình (2018), Biểu tượng về chư thiên và linh vật Phật giáo, NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu