NHỮNG TRUYỆN KỂ DÂN GIAN QUANH BIỂU TƯỢNG KIẾN TRÚC CHÙA PHẬT GIÁO KHMER

28/09/2023 1284 0

Kỳ 2: Những vị Thần giao thoa trong văn hóa Khmer

Phật giáo là tôn giáo chính của người Khmer, nên ngôi chùa đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội của người Khmer. Ngôi chùa được người Khmer xem là trung tâm tín ngưỡng, trung tâm học tập cộng đồng, hay còn gọi là ngôi nhà chung, một biểu tượng văn hóa của người Khmer Nam bộ nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng.

Thần Hộ pháp- lý giải hiện tượng sấm sét

Thần Hộ pháp, còn được đồng bào Khmer gọi là Yeak, hay hình tượng Chằn. Hình tượng này thường được nghệ nhân Khmer trang trí mặt ngoài của chùa Phật giáo Nam tông Khmer, có dáng vẻ khá dữ tợn, mặc áo giáp, tay cầm chà vồ đứng gác trước cổng chùa và xem hình tượng Chằn trong thần thoại Bà La Môn giáo lý giải cho hiện tượng sấm sét lúc trời mưa.

Truyện kể rằng, “Ngày xửa ngày xưa, chằn Ra-ma-sua và thiên nữ Mê-kha-la cùng theo học phép thần thông của một đạo sĩ. Khi việc học đã kết thúc, vị đạo sĩ muốn thử tài trí của học trò bèn bảo rằng: Sáng hôm sau ai đem đến cho ông một chén sương mai thì ông sẽ biến chúng thành viên ngọc như ý “keo Ma-nô-ha-ra” tặng cho người ấy.

Sáng hôm đó, cả hai người học trò đều dậy rất sớm. Ra-ma-sua cầm cái chén chạy khắp rừng để hứng sương đọng trên lá cây, nhưng hứng mãi không đầy chén. Còn Mê-kha-la khôn ngoan hơn lựa một miếng vỏ cây xốp để thấm sương đọng trên lá rồi vắt vào đầy chén đem về dâng cho thầy. Vị đạo sĩ liền biến chén sương thành ngọc như ý trao cho Mê-kha-la. Nhờ có ngọc thiêng, Mê-kha-la tung mình lên không bay thẳng về nhà. Còn Ra-ma-sua khi mang chén sương trở về dâng cho thầy thì đã muộn. Thất vọng, Ra-ma-sua lòng đau như cắt và khóc mãi không thôi. Vị đạo sĩ rất thương Ra-ma-sua, nhưng chẳng có cách nào khác, đành tặng cho một cái búa thần để Ra-ma-sua đấu với Mê-kha-la giành lại viên ngọc.

Cuộc chiến giành ngọc kéo dài từ ấy đến nay không phân thắng bại. Cứ mỗi lần trời mưa, Mê-kha-la bay lên không tắm mưa thì Ra-ma-sua tung búa, lưỡi búa lóe lên lằn sáng rực phát ra tiếng nổ kinh hồn”, người Khmer giải thích đó là hiện tượng sấm sét.

Bên cạnh lý giải cho hiện tượng sấm sét, hình tượng chằn còn đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người Khmer. Đối với những tác phẩm văn học, hay các câu chuyện cổ của đồng bào Khmer, hình tượng Chằn thường được biểu trưng cho những điều xấu, thể hiện cho cái ác, là những nhân vật đóng vai phản diện trong các tác phẩm văn học và kể cả những kịch bản được trình diễn trên sân khấu của nghệ thuật Dù Kê. Tuy nhiên, trong nhiều lễ hội tín ngưỡng dân gian, đồng bào Khmer biết cách dung hòa hình tượng này trong văn hóa Bà La Môn giáo với Phật giáo. “Đồng bào mượn hình ảnh Chằn để thể hiện ước muốn xua đuổi điều dữ, đón sự an lành, may mắn trong đời sống. Chằn xuất hiện với chức năng như vị thần bảo vệ người dân, bảo vệ chùa mang ý nghĩa cái thiện chiến thắng cái ác, chính nghĩa thắng hung tàn. Tượng Chằn đã được Đức Phật thu phục để bảo vệ chánh điện, bảo vệ sự bình yên cho dân lành.

Chính vì vậy, hình tượng Chằn hiện diện ở chùa với ý nghĩa đã cải tà quy chánh, vừa bảo vệ chánh pháp, vừa nhắc nhở tín đồ làm điều phước thiện và nhằm tôn vinh triết lý tất thắng của chân, thiện, mỹ. Hình tượng Chằn trong các tác phẩm điêu khắc chính là những bài học đạo đức, mang tính nhân văn, giáo dục nhân cách con người, đưa con người đến một cuộc sống hướng thiện, tích đức”.

Thần Bốn Mặt gắn với tết CholChnamThmay

Thần Bốn Mặt là hình tượng thường bắt gặp trong các kiến trúc xây dựng đỉnh nóc Sala hoặc các tháp cốt. Tục thờ thần Bốn Mặt ở các chùa Phật giáo của người Khmer xuất phát từ truyện thần thoại kể về hoàng tử Thomabal thông minh và tài trí đã thắng được thần Bốn mặt Kabil Maha Brum trong một cuộc đấu trí. Thần Bốn Mặt đặt ra ba câu hỏi để đố những người được cho là thông minh, nhưng không ai giải đáp được. Về sau, có một người giải đáp được 3 câu đố của thần Bốn Mặt, đó là Hoàng tử Thomabal. Cụ thể 3 câu đố đó là: “Buổi sáng sức sống (hay còn gọi là cái duyên) của con người nằm ở đâu”, “Buổi trưa sức sống của con người nằm ở đâu” và “Buổi tối sức sống của con người nằm ở đâu”. Hoàng tử Thomabal trả lời: “Buổi sáng cái duyên của con người nằm ở mặt nên phải rửa mặt”, “Buổi trưa cái duyên của con người nằm ở ngực nên phải tắm mát phần ngực” và “Buổi tối cái duyên của con người nằm ở chân nên phải rửa chân trước khi đi ngủ”.

Lý giải cho 3 câu trả lời của Hoàng tử Thomabal, Sư Thạch Chanh Nhen- Sư Cả chùa Kỳ Son, huyện Tam Bình nói: “Buổi sáng là thời điểm bắt đầu cho ngày mới, con người cần phải rửa mặt cho tươi tắn, tỉnh táo để khi gặp nhau luôn nở nụ cười và hỏi han quan tâm nhau. Buổi trưa, con người trở nên nóng nảy, nên phải lấy nước tắm rửa phần ngực cho giảm sự nóng nảy, nhằm thể hiện sự nhường nhịn giữa người với nhau. Còn buổi tối con người phải rửa chân, tượng trưng cho việc tắm rửa sạch sẽ trước khi đi ngủ, bỏ qua những việc muộn phiền trong ngày, không nên mang theo sẽ làm cho chúng ta thêm ghánh nặng, âu lo mà khó ngủ”.

Thấy Hoàng tử Thomabal đối đáp đúng những câu đố do mình đưa ra, thần Bốn Mặt giữ đúng lời hứa tự chặt đầu mình trước mặt Hoàng tử Thomabal và trước đó căn dặn bảy nàng con gái hãy để đầu mình lên một chiếc khay bằng vàng và đem đặt tại hang thủy tinh “Thamaminly” trên núi Kailas trong dãy Hy Mã Lạp Sơn. Từ đó về sau, cứ đúng vào ngày thần Bốn Mặt tự sát, bảy cô con gái của Thần xuống núi vào hang thủy tinh, luân phiên nhau mỗi năm một cô rước đầu của cha đi quanh ngọn núi Meru- một ngọn núi rất nổi tiếng trong hệ thống thần thoại của Ấn Độ theo hướng mặt trời ba vòng.

Ngày nay, theo truyền thống của người Khmer Nam bộ nói chung, tỉnh Vĩnh Long nói riêng lễ CholChnamThmay được tổ chức 3 ngày giữa tháng 4 dương lịch hàng năm, với nhiều nghi lễ quan trọng. Song, ngày thứ nhất rước quyển Đại lịch (Maha Sangkran) được xem là buổi lễ quan trọng nhất trong lễ đón mừng năm mới của người Khmer. Maha Sangkran là lễ rước quyển Đại lịch vào sáng sớm của ngày đầu năm, người Khmer rước quyển Đại lịch sẽ đi vòng quanh chánh điện chùa 3 lần để nhớ đến huyền thoại hoàng tử Thomabal và thần Bốn Mặt Kabil Maha Brum.

Tượng thần Bốn Mặt ngoài ý nghĩa tượng trưng cho sự thông minh, sáng suốt, còn mang ý nghĩa khác là tượng trưng cho sự thân thiện của con người với loài vật, thể hiện sự hòa đồng, công bằng và nhẫn nại của con người. Tục thờ thần Bốn Mặt của người Khmer không chỉ thể hiện ý nghĩa, niềm tin tín ngưỡng vào các thế lực siêu nhiên, mà còn khắc họa nét văn hóa dân gian đặc trưng của người Khmer trong nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam (Còn tiếp).

 

Bài, ảnh: MINH TRIẾT

Chú thích ảnh:

 Tượng thần Hộ pháp trước cổng chùa Phù Ly 1, xã Đông Bình, TX.Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long

 

 

 

* Tài liệu tham khảo

- Huỳnh Thanh Bình (2018), Biểu tượng về chư thiên và linh vật Phật giáo, NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.

- Phương Nghi- Ngân Nhi , “Tượng Chằn trong đời sống tâm linh của đồng bào Khmer”, https://baodantoc.vn

- Ban Tuyên giáo tỉnh Vĩnh Long (2003), Tìm hiểu văn hóa Vĩnh Long (1732- 2000), NXB Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh.

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu