NHỮNG TRUYỆN KỂ DÂN GIAN QUANH BIỂU TƯỢNG KIẾN TRÚC CHÙA PHẬT GIÁO KHMER

14/10/2023 635 0

Kỳ cuối: Giá trị biểu tượng trong đời sống đồng bào Khmer

Người Khmer Vĩnh Long đa phần xuất thân từ nông nghiệp, trong lao động sản xuất đồng bào Khmer thường gặp nhiều rủi ro, thiên tai, địch họa dẫn đến mất mùa. Chính vì vậy, bên cạnh hình tượng đức Phật được thờ chính trong chùa, người Khmer còn khắc họa, đắp nổi các vị nhiên thần, linh vật có nguồn gốc từ đạo Bà La Môn như hình thức cúng kiến, cầu thần ban phước lành. Thông qua đó, các hình tượng này còn mang đến nhiều thông điệp ý nghĩa, biểu trưng cho những giá trị khác nhau trong đời sống của đồng bào Khmer và là bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam.

Từ góc nhìn nghệ thuật, chùa của người Khmer là một công trình kiến trúc độc đáo, đặc sắc và luôn có sự khác biệt với nhiều công trình kiến trúc của người Việt hay người Hoa ở cùng địa phương; chúng trở thành bản sắc văn hóa đặc trưng của người Khmer.

Điểm nổi bật của ngôi chùa Khmer là quần thể kiến trúc liên hoàn, với nhiều công trình khác nhau như: cổng chùa, chánh điện, sala, giảng đường, tháp cốt…tạo thành một tập hợp kiến trúc giàu tính thẩm mỹ. Gắn với kiến trúc chùa là những giá trị nghệ thuật điêu khắc đắp nổi độc đáo từ các hình tượng nhiên thần hay linh vật có nguồn gốc xuất xứ từ Bà la môn giáo như: Nữ thần Kayno, nữ thần Lakshmi, thần Bốn Mặt, thần Hộ pháp; các linh vật: Chim thần Krut, Reahu... “Các công trình nghệ thuật độc đáo về kiến trúc, điêu khắc, hội họa được thể hiện trong các ngôi chùa Phật giáo của người Khmer là những di sản văn hóa quý báu, góp phần làm nên sắc thái riêng cho văn hóa dân tộc Khmer, cũng như góp phần làm phong phú cho nền văn hóa Việt Nam”- Theo Lê Văn Lợi (Bảo tồn, phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa Phật giáo Nam tông Khmer vùng Tây Nam bộ).

Theo Sư Cả Thạch Thanh Tùng, trụ trì chùa Phù Ly 1, xã Đông Bình, thị xã Bình Minh: “Bốn khuôn mặt của thần còn tượng trưng cho 4 thiện tâm trong đạo Phật gồm: từ, bi, hỷ, xả. Lòng từ, bi, hỷ, xả này ngoài đức Phật Thích Ca, còn ẩn chứa trong tâm của ông bà cha mẹ. Dù con cái có lầm lỗi đến đâu, với tấm lòng thương con cháu, ông bà cha mẹ đều sẵn lòng tha thứ, tạo điều kiện để con cháu quay đầu hướng thiện. Đó là giá trị nhân văn sâu sắc trong triết lý nhân sinh quan của tín ngưỡng thờ biểu tượng thần Bốn Mặt”.

Nhìn từ gốc độ giao thoa, tiếp biến văn hóa, ứng xử của cộng đồng người Khmer Vĩnh Long đối với các hình tượng trong Bà La Môn và Phật giáo ngày nay đã có sự dung hòa. Sự dung hòa đó được biểu hiện thông qua nhiều sắc thái tạo hình, tạo nên giá trị nghệ thuật hết sức độc đáo và sinh động trong hệ thống kiến trúc của người Khmer. Nét độc đáo, sinh động của các biểu tượng được đồng bào Khmer thể hiện ở chỗ vừa làm chức năng canh giữ, bảo vệ sự an lành, hạnh phúc của chúng sinh, vừa được người Khmer xem như là những vị thần hộ pháp cho đức Phật Thích Ca trong quá trình hành đạo, phổ độ chúng sinh.

Sư Cả Thạch Thanh Tùng, trụ trì chùa Phù Ly 1, thị xã Bình Minh và các vị Acha, người có uy tín trong cộng đồng người Khmer đều khẳng định, các biểu tượng văn hóa kiến trúc ở chùa Phật giáo Nam tông Khmer đối với cộng đồng người Khmer là rất quan trọng, các biểu tượng chính là niềm tin, là chỗ dựa trong đời sống văn hóa tinh thần của người Khmer hiện nay và luôn tồn tại mãi mãi về sau. Bất kỳ trong mọi hoàn cảnh, cộng đồng người Khmer Vĩnh Long luôn chung tay gìn giữ và lưu truyền những tinh hoa văn hóa của tộc người mình bằng nhiều hình thức như tuyên truyền, giáo dục, kể lại những huyền thoại, truyền thuyết của các hình tượng cho con cháu hiểu về ý nghĩa, để từ đó con cháu có trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị các hình tượng.

Ngày nay, những biểu tượng tôn giáo này không còn giới hạn trong phạm vi tìm hiểu về văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng Khmer, mà đã lan truyền, dần trở thành đề tài hấp dẫn, có giá trị nghiên cứu đối với các cộng đồng người xung quanh. Theo ghi nhận từ những người có uy tín trong đồng bào Khmer ở tỉnh Vĩnh Long, thì không chỉ người Khmer mà cả người Việt và người Hoa ở địa phương cũng có sự nhìn nhận tích cực về những hình tượng này. Đặc biệt, người Việt và người Hoa đều xem chùa Phật giáo của người Khmer là ngôi chùa chung và có sự giao thoa văn hóa với nhau trong quá trình cộng cư, thường xuyên đến chùa lễ Phật, cúng dường và luôn thể hiện sự tôn kính đối những hình tượng mang tính thiêng liêng trên.

Bài, ảnh: MINH TRIẾT

 

Chú thích ảnh:

1. Các hình tượng nhiên thần, linh vật được đắp nổi tạo cho ngôi chùa Phật giáo của người Khmer có kiến trúc nghệ thuật độc đáo, đặc sắc

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu