Những truyện kể dân gian về biểu tượng kiến trúc chùa Phật giáo Khmer

21/09/2023 1023 0

Người Khmer Vĩnh Long nói riêng và ở ĐBSCL Cửu Long được xem là tộc người cần cù trong lao động, thông minh, sáng tạo trong sản xuất và có nền văn hóa đậm đà bản sắc. Bên cạnh những làn điệu Dù Kê, múa Sa Dăm, Rô Băm, thì môtip hình tượng về nhiên thần và linh vật được điêu khắc, đắp nổi trên các công trình kiến trúc của ngôi chùa kèm theo đó là những câu chuyện kể dân gian pha lẫn yếu tố huyền thoại đã tạo nên giá trị nghệ thuật hết sức độc đáo và giá trị nhân văn sâu sắc trong kiến trúc và văn hóa truyền thống của người Khmer.

Kỳ 1: Hình tượng nữ thần sắc đẹp

Đến tham quan các ngôi chùa của đồng bào Khmer, ngoài những hình tượng sư tử, rắn thần Naga được đắp nổi trước cổng chùa, du khách cũng dễ dàng nhận thấy hình tượng nữ thần Kây No và nữ thần Lakshmi được nghệ nhân Khmer điêu khắc trên một số hạng mục công trình chánh điện, hay Sala, mà theo đồng bào Khmer và các truyền thuyết đều cho rằng đây là hai vị nữ thần thể hiện cho sắc đẹp và duyên dáng.

Nữ thần Kây No với điệu Apsara huyền thoại

Nữ thần Kayno hay còn gọi là Apsara. Đến chùa Phật giáo của người Khmer, chúng ta thấy hình tượng nữ thần Kây No với vẻ mặt xinh xắn, hiền lành, có đôi cánh dang rộng, hai chân đứng thẳng, ưỡng ngực, hai cánh tay đưa cao đỡ diềm mái chánh điện tạo nên điểm nối giữa các hàng cột đứng với mái ngang chánh điện. Tùy theo điều kiện của mỗi nơi, mà đôi cánh và bộ áo giáp của nữ thần Kây No được sơn, phủ màu khác nhau. Nhưng dù có sơn màu sắc như thế nào thì hình tượng nữ thần Kây No vẫn toát lên khí chất hiền hậu, tao nhã, uyển chuyển, thướt tha.

Nữ thần Kây No, còn được gọi là tiên nữ Apsara. Theo Ấ        n Độ giáo, Apsara là những tiên nữ xinh đẹp tuyệt trần, cử chỉ thanh thoát, duyên dáng và múa hát điêu luyện. Họ là vợ của các nhạc công nơi tiên giới Gandharva và thường đàn ca, múa hát cho các vị thần.

Theo truyền thuyết, Apsara được ra đời từ việc khuấy biển sữa để lấy thuốc trường sinh của hai vị thần. Đó là bắt nguồn từ câu chuyện về cuộc chiến tranh kéo dài hàng nghìn năm của thần thiện và thần ác. Trong khi cuộc chiến xảy ra thì dưới biển sữa sinh ra hàng nghìn cô tiên nữ Apsara xinh đẹp. Cũng chính từ truyền thuyết này, Apsara trở thành tên gọi của một điệu múa nổi tiếng, đó là nghệ thuật múa Apsara.

Nữ thần Lakshmi- hiện thân của sự đẹp đẽ, suôn sẻ và tài lộc

Trong truyền thuyết của Ấn Độ, nữ thần Lakshmi là nữ thần thường xuất hiện với tư thế ngồi hoặc đứng trên ngai của đài sen. Nữ thần Lakshmi được sinh ra và lớn lên trên một đóa hoa sen từ biển sữa. Hình ảnh xuất hiện của nữ thần thường là ngồi hoặc đứng trên chiếc ngai đài sen vàng của mình, hai tay mang theo hai bông sen với những lời chúc phúc, ban phước lành, tình yêu cho những người cầu nguyện, kèm theo đó còn có đồng tiền vàng tượng trưng cho sự giàu sang phú quý ban tới cho người dân.

Cũng theo truyền thuyết, nữ thần là vợ và là người có năng lực tích cực của thần Vishnu. Nữ thần Lakshmi còn được gọi là Sri hoặc Thirumagal, bởi nữ thần được ban tặng 6 đặc tính thần thánh, cát tường và cũng bởi nữ thần là nguồn năng lượng, thậm chí ngay cả với thần Vishnu.

Hơn nữa, trong các kinh tạng Ấn Độ cổ xưa, mọi người phụ nữ đều được xác tín là hiện thân của Lakshmi. Ngày nay, trên các công trình kiến trúc của chùa Phật giáo Nam tông Khmer ở Vĩnh Long có khá nhiều hình tượng nữ thần Lakshmi. Tiêu biểu như tại chùa Phù Ly 1, xã Đông Bình, TX.Bình Minh, Sư Cả Thạch Thanh Tùng cho hay, xung quanh chánh điện có lớp cột và lớp hàng rào bảo vệ đều có đắp nổi biểu tượng của nữ thần. Đối với hàng rào chánh điện có nhiều đá sima, mặt trước đá sima có hình nữ thần Lakshmi ngồi chắp tay. Các cột của hàng rào cũng trang trí hình tượng nữ thần chắp tay nhưng nhỏ hơn. Mỗi mảng tường của công trình Sala bên cạnh trang trí hình hoa sen, còn có hình tượng nữ thần Lakshmi chắp tay, đứng xá thể hiện sự tôn kính đối với đức Phật.

Ngoài ra, hình tượng nữ thần Lakshmi còn được làm biểu tượng đặt trong quần thể cột cờ của chùa ở bậc tam cấp với 4 bức tượng đứng 4 góc trong tư thế chắp tay, mắt và mặt hướng cũng nhìn về 4 hướng.

Đồng bào Khmer tâm niệm, hình tượng của nữ thần là hiện thân của sự đẹp đẽ, ban đến phước lành, suôn sẻ và tài lộc cho mọi người.

MINH TRIẾT

Chú thích ảnh:

1. Nữ thần Kây No được điêu khắc đỡ diềm mái chánh điện

2. Nữ thần Lakshmi trong tư thế ngồi chắp tay tại các hàng cột bên hông chánh điện chùa Phù Ly , xã Đông Bình, TX.Bình Minh

 

 

* Tài liệu tham khảo

- Huỳnh Thanh Bình (2018), Biểu tượng về chư thiên và linh vật Phật giáo, NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.

- Phương Nghi (2019), Lấp lánh nữ thần Kâyno dưới những mái chùa Khmer, http://baodantoc.com.vn.

- Truyền thuyết về nữ thần sắc đẹp Lakshmi của Ấn Độ, http://www.bonghongvanglakshmi.blogspot.com

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu