Phát huy giá trị di sản để phát triển du lịch Vĩnh Long

10/04/2024 466 0

Tỉnh Vĩnh Long không chỉ sở hữu khoảng 700 di tích phổ thông, mà còn nhiều lễ hội truyền thống giàu bản sắc của đồng bào Kinh- Hoa- Khmer mang giá trị cộng đồng sâu sắc. Đây được xem là nguồn tài nguyên phong phú để tỉnh phát huy giá trị di sản kết hợp thu hút du khách trong phát triển du lịch tại tỉnh Vĩnh Long.

Vĩnh Long hiện có 3 tộc người có số dân đông chiếm đa số cùng sinh sống đó là tộc người Kinh, tộc người Hoa và tộc người Khmer. Với đặc điểm đó, mà hàng năm tỉnh Vĩnh Long có nhiều lễ hội dân gian phong phú, đa dạng. Tiêu biểu, người Việt có lễ hội Thượng điền, Hạ điền, lễ hội Kỳ yên ở đình làng, lễ hội miếu bà Chúa xứ, lễ giỗ Quốc Tổ Hùng Vương; người Hoa có lễ vía Chúa Sanh Nương Nương, Thiên Hậu Thánh Mẫu, lễ vía Phước Đức Chánh Thần, lễ vía Quan Thánh Đế Quân; đồng bào Khmer có tết cổ truyền CholChnamThmay, lễ OkOmBok, lễ SenDolTa...là những lễ hội lớn trong năm. Mỗi lễ hội có những nét đặc thù riêng và cách thức tổ chức khác nhau, nhưng đều mang đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc, cùng hướng đến mục đích chung là cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhân dân an cư lạc nghiệp, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Bên cạnh 13 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia, gần 60 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, một bảo vật quốc gia (tượng Thần Vishnu Vũng Liêm được lưu giữ tại Bảo tàng Vĩnh Long), mới đây Lễ hội Văn Thánh Miếu và Nghệ thuật hát bội Vĩnh Long đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nâng tổng số di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh Vĩnh Long lên 4 di sản. Việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản không chỉ góp phần lưu truyền những nét đẹp, bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của nhân dân, việc duy trì tổ chức lễ hội tại các di tích và những lễ hội dân gian được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm tự hào của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, những người làm công tác di sản văn hóa và người dân tỉnh Vĩnh Long. Không những vậy, những hoạt động lễ hội còn được xem là chất xúc tác để tỉnh phát triển du lịch, thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm văn hóa lễ hội của địa phương.

Thực hiện Đề án Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh Vĩnh Long, những năm qua ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phát triển du lịch gắn với tham quan, tìm hiểu các di tich lịch sử văn hóa trong tỉnh. Nhiều lễ hội như: Lễ hội Lăng Ông Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn (Trà Ôn), lễ hội Văn Thánh Miếu (phường 4, TP.Vĩnh Long), Nghệ thuật hát bội Vĩnh Long, hay như lễ hội Xuân tế cầu an tại di tích Công Thần miếu (phường 5, TP.Vĩnh Long), Ngày hội văn hóa, thể thao đồng bào Khmer tỉnh Vĩnh Long 5 năm tổ chức 2 lần... cũng được các công ty du lịch trong và ngoài tỉnh khai thác, thu hút được đông đảo du khách tham gia trải nghiệm, dần khẳng định thương hiệu du lịch văn hóa Vĩnh Long trên bản đồ du lịch quốc gia và có đóng góp khả quan vào kết quả thống kê lượt khách đến du lịch tại tỉnh năm 2023 đạt hơn 1,4 triệu lượt (vượt 480.000 lượt theo kế hoạch, tăng 45% so năm 2022), khách quốc tế ước đạt 26.500 lượt (tăng hơn 3,8 lần so với năm 2022), doanh thu ước đạt hơn 670 tỷ (tăng 39% so năm2022). Đây cũng là một trong 10 sự kiện nổi bật của tỉnh Vĩnh Long năm 2023. Riêng quý 1/2024, tổng lượt khách đến Vĩnh Long đã đạt 426.557 lượt, tăng 3,2% so cùng kỳ, với khách quốc tế đạt 8.334 lượt, doanh thu đạt 210,3 tỷ đồng, tăng 2% so cùng kỳ.

Lễ hội Lăng Ông Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn (Trà Ôn) hàng năm thu hút đông du khách đến chiêm bái, trải nghiệm

Nghệ thuật hát bội Vĩnh Long tại đình làng cũng thu hút rất đông người dân và du khách đến xem

Định hướng phát triển du lịch trong tương lai, ngành du lịch Việt Nam đã xác định du lịch văn hóa là một trong những loại hình sản phẩm du lịch quan trọng trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tại Vĩnh Long, UBND tỉnh cũng xác định du lịch văn hóa là một trong các sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh Vĩnh Long phù hợp với nhu cầu thị trường, làm cơ sở liên kết vùng nhằm khai thác có hiệu quả lợi thế và tiềm năng cho phát triển du lịch, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh của du lịch tỉnh nhà.

Chính vì thế, trong thời gian tới, cùng với việc khai thác các sản phẩm du lịch chủ lực là du lịch homestay, sản phẩm bổ trợ là du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề, thì tỉnh Vĩnh Long cũng định hướng phát triển du lịch văn hóa dựa trên việc khai thác đặc điểm lịch sử của các di tích lịch sử - văn hóa và thân thế sự nghiệp các vị nguyên thủ, nhà khoa học, học giả, trí thức có tầm ảnh hưởng quốc gia qua các thời kỳ, qua đó khẳng định Vĩnh Long là vùng đất học, vùng đất “địa linh nhân kiệt”. Đồng thời, khai thác các giá trị lễ hội, văn hóa tại các di tích để quảng bá thu hút du khách.

Tuyên truyền, khuyến khích các công ty, doanh nghiệp du lịch lữ hành thiết kế chương trình tham quan đến các di tích tiêu biểu của tỉnh để quảng bá thu hút du khách; trong đó, xây dựng tour du lịch Văn Thánh miếu là điểm nhấn quan trọng trong việc giới thiệu quảng bá về đất học Vĩnh Long; di tích Công Thần miếu với nét độc đáo là nơi lưu giữ 85 đạo sắc phong của nhà Nguyễn cấp thời Thiệu Trị và Tự Đức; Thất Phủ miếu (chùa Ông) là nơi ghi dấu ấn người Hoa định cư tại Vĩnh Long,…

Tổ chức biên soạn, xây dựng các bài thuyết minh sắc nét về các di tích, về vùng đất địa linh nhân kiệt và đất học Vĩnh Long để đội ngũ thuyết minh có nguồn kiến thức phong phú về địa phương, truyền đạt thật tốt đến với du khách. Nâng cao chất lượng hoạt động và kết hợp xây dựng “câu chuyện điểm đến” cho Bảo tàng, các di tích quốc gia nhằm phát huy vai trò của yếu tố tín ngưỡng trong việc định hướng phát triển du lịch tâm linh trong thời gian tới. Đa dạng hóa các hình thức phục vụ khách tại Bảo tàng và các di tích thông qua việc bổ sung các buổi trình diễn đờn ca tài tử, nghệ thuật hát bội vào hoạt động định kỳ (tháng hoặc quý), góp phần khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch văn hóa, tạo nét đặc trưng riêng của du lịch Vĩnh Long./.

Bài, ảnh: MINH TRIẾT

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu