RƠM QUÊ

23/10/2023 2379 0

Những ai được sinh ra và lớn lên ở miền quê thường sẽ mang trong mình một tình yêu sâu đậm với những gì được sản sinh từ đất mẹ quê hương. Để rồi mỗi khi đi xa lại thấy thèm, thấy nhớ và khát khao được trở về sống lại trong miền ký ức thân thương. Miền ký ức ấy đơn giản chỉ là sự hiện diện của những thứ đời thường, dân dã, là tiếng cười giòn tan của lũ trẻ thơ trên cánh đồng mùa gặt lúa với những cọng rơm quê thấm vị hương nồng.

Rơm là phần thân của cây lúa chín sau khi đã được tuốt hạt. Hồi đó, ở nông thôn các tỉnh miền Tây nói chung, quê hương Vĩnh Long nói riêng, sau khi thu hoạch lúa, người dân quê tôi thường phơi rơm ngoài đồng rồi đem xuồng, ghe hoặc chẹt chở về, chất thành đống ở một góc sân nhà. Có lẽ do đống rơm có phần gốc vững chãi và phần ngọn được chất cao vút trông tựa như một thân cây nên còn được người dân lý tưởng hoá gọi là “cây rơm. “Cây rơm” phải đảm bảo yếu tố kỹ thuật sao cho nước mưa ít thấm ướt vào bên trong và khi rút rơm dần từ gốc thì vẫn không bị đổ ngã. Đặc biệt, khi chất xong, “cây rơm” phải nhìn "coi cho được". Bởi khi nhìn vào hình dáng của “cây rơm” người ta sẽ đánh giá chủ nhà là người khéo tay, kỹ tính hay vụn về, cẩu thả, cũng như sẽ dự đoán được tình hình kinh tế làm ăn của gia đình trong năm.

Rơm được dự trữ để làm thức ăn cho trâu, bò, dê,... và dùng lót chuồng, lót ổ giữ ấm cho vật nuôi trong nhà. Còn với những gốc cây ăn trái hay luống rau vừa mới gieo hạt hoặc cấy tỉa cây con, người ta thường lấy rơm phủ lên mặt luống để ngăn ngừa côn trùng cắn phá, giúp che mát, giữ ẩm cho cây. Lâu dần, chúng sẽ hoai mục thành phân hữu cơ giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tươi tốt.

Ngoài ra, những lúc nông nhàn, người dân quê tôi còn tận dụng rơm để làm nấm kiếm thêm thu nhập, cải thiện bữa ăn gia đình. Rơm sau khi ủ, chưa đầy nửa tháng là đã thu hoạch. Ấy vậy mà hồi đó lũ trẻ chúng tôi cứ thấy thiệt là lâu lắc và nôn nao trông chờ đến ngày nhổ nấm. Nấm rơm vốn đã dễ trồng nên nếu được ủ đúng kỹ thuật rồi gặp thêm thời tiết thuận lợi nữa thì chỉ lo mặc sức nhổ mà thôi. Nấm làm món nào tụi tui cũng thích, và càng thích hơn khi được ăn trúng ngay cái nấm búp tròn vo, nhỏ xíu. Hễ gặp là lũ trẻ chúng tôi thường tinh nghịch cho nguyên cái nấm vô miệng, cắn sật một cái cho nấm xịt nước ra. Có khi vô ý để nước văng bắn ra bên ngoài và thế là được "phụ huynh" nhắc nhở cho một vài phép tắc lịch sự trên bàn ăn liền ngay lập tức.

Không hiểu vì sao mà rơm quê lại có sức hấp dẫn lạ kỳ với lũ con nít nhà quê nữa hỏng biết. Hấp dẫn đến nỗi chúng chẳng còn biết sợ bị mẩn ngứa vì sót rơm. Hễ chiều chiều là cứ tụm năm, tụm bảy chạy giỡn, vui đùa, nghịch phá xung quanh “cây rơm”. Nhiều trò lắm, nhưng thích thú nhất có lẽ là trò trốn tìm. Trò này mà chịu chui vào trong đóng rơm rồi là coi bộ tìm kiếm mệt mỏi. Ôi! rơm quê - cái cọng rơm mềm, nhỏ xíu, có màu vàng óng ánh với mùi thơm ngọt ngào pha lẫn chút hăng nồng, ngai ngái đặc trưng ấy đã trở thành một phần ký ức tuổi thơ chẳng thể nào quên của biết bao người.

Đặc biệt, nhắc đến rơm, còn gợi cho người ta nhớ đến vị thơm nguyên thủy của những món ăn được nướng từ rơm. Trong đó, phải kể đến cá lóc nướng trui -món ăn dân dã đậm đà tình quê. Này nhé! con cá lóc đồng, chỉ cần rửa sạch, để nguyên vảy rồi xuyên vào một que tre, sau đó đem cắm xuống đất, phủ lượng rơm vừa phải rồi đốt lên. Khi rơm tàn thì lấy cá ra, dùng rơm tươi hoặc cọng lá cạo bỏ phần vảy bị cháy đen ở bên ngoài để lộ da cá màu xám vàng, thịt trắng, dậy nứt mùi thơm khiến thực khách khó lòng cưỡng lại. Mấy ông, mấy chú ở quê thì chỉ việc đem ra chấm cùng muối ớt lai rai vài xị với bạn hiền. Còn các dì, các mẹ thì thường thêm một công đoạn nữa là rạch hai đường nhỏ dọc theo phần sống lưng của cá ra rồi thêm ít mỡ hành, đậu phộng đem gói bánh tráng chấm cùng nước mắm me hoặc nước mắm chua ngọt là hết xảy luôn. Riêng lũ trẻ con quê tôi thì thích thú tụ họp lại để nướng mấy thứ quà vặt của xứ nhà quê như trái chuối, khoai lang, khoai mì, bắp nếp hay con cua, con ốc, con sò,...

Ngày nay, đồng ruộng Vĩnh Long vẫn còn bạt ngàn tươi tốt, rơm quê Vĩnh Long vẫn còn nhiều và giữ nguyên giá trị sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, ẩm thực... nhưng chỉ là với hình thức khác mà thôi.  Rơm được máy cuốn thành từng cuộn rồi được thương lái thu mua ngay tại đồng. Vì vậy, người dân quê tôi cũng không còn chở rơm về chất dự trữ nhiều như trước nữa. Chỉ là theo thói quen, mỗi nhà thường sẽ chở về vài cuộn rơm để trồng rau hay để dành nướng cá, món ăn dân dã mà không có loại nhiên liệu nào sánh bằng rơm quê.

Bài, ảnh: Mỹ Xuân

 

 

​​​​​​​

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu