Tham quan qui trình làm cốm tại lò cốm kẹo “Cửu Long”

28/09/2023 1032 0

Ai trong chúng ta cũng đã đôi lần được thưởng thức hương vị ngọt ngào và mùi thơm nhè nhẹ của những miếng cốm nhỏ và cũng không ít lần thắc mắc tự hỏi về cách làm của loại bánh thân quen này. Và nếu có dịp về với Vĩnh Long, vùng đất bình yên nằm bên hai dòng sông Tiền, sông Hậu, du khách hãy đến với lò cốm kẹo Cửu Long, một lần tìm về với những miếng cốm thân quen “mùi” tuổi thơ.

Từ Bến cảng hành khách Vĩnh Long, xuôi tàu theo dòng nước hướng về cù lao An Bình khoảng 20 phút, bên cạnh những vườn trái cây say quả và những homestay đạt chuẩn Asean níu chân người lữ khách, chiếc tàu cập bến lò cốm kẹo Cửu Long, một trong những điểm đến nổi tiếng bên cạnh Nhà Dừa.

Vừa đặt chân lên bờ, đâu đó trong gió đã phảng phất hương cốm ngào ngạt, đặc biệt là hương cốm sữa thơm không lẫn vào đâu, cái hương vị của món quà mà mỗi khi mẹ đi chợ về. Tiến vào bên trong là nơi những người nghệ nhân miệt mài bên bếp lửa, cho ra những mẻ cốm nóng hổi và giòn rụm. Xung quanh được xây dựng với kết cấu đơn giản, bao gồm những dụng cụ chế biến được xếp theo tuần tự nhằm tiết kiệm thời gian và còn lại là những khoảng trống, giúp tối ưu không gian cho du khách tham quan và trải nghiệm.

Để làm ra một sản phẩm hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi sự khéo léo của người nghệ nhân trong việc áp chế lửa và phối hợp nhịp nhàng với nhau. Tại đây, du khách vừa có thể tham quan qui trình sản xuất cốm truyền thống, vừa thưởng thức một miếng cốm nóng hổi mới ra lò.

Bước đầu tiên của qui trình làm nên một mẻ cốm ngon, bắt buộc người thợ phải nhanh nhẹn, cho lúa hoặc nếp vào cái nồi lớn bên trong là cát đã được làm nóng đến một nhiệt độ nhất định, sau đó khấy trộn thật gọn tay sao cho không chỉ lúa hoặc nếp bên trong nồi không bị rơi ra ngoài mà còn được bung nở đều, không bị cháy khét hay còn nguyên hạt.

Tiếp theo số hạt đã bung nở được đưa qua một cái sàng để tách vỏ trấu, cái sàn này đặc biệt hơn những cái sàn thông thường, khung lưới được làm bằng kẽm hoặc sắt đan lại với nhau để có thể chịu được độ nóng của số hạt cốm vừa bung nở và sử dụng được lâu hơn những cái sàng bằng tre nứa.

Những hạt cốm đã bung đều sau đó được đưa vào một nồi khác, trộn cùng với đường và hương liệu từ thiên nhiên được pha sẵn trong một nồi khác ở bên cạnh, nhằm tạo nên sự kết dính, vị ngọt và hương thơm cho sản phẩm cốm như hương sữa, hương sầu riêng, cacao …

Công đoạn này đòi hỏi những người nghệ nhân phải có sự kết hợp nhịp nhàng và thuần thục với nhau trong từng cái nhào trộn, sao cho đường và hương vị thấm đều vào trong từng hạt cốm nóng, không dính quá nhiều hoặc quá ít, giữ cho hạt cốm vẫn được độ giòn vừa phải.

Sau khi những hạt cốm được thấm đều đường và hương vị sẽ được cho vào khuôn, ép chặt và cắt nhỏ để cho ra thành phẩm cuối cùng.

Cốm được trãi đều và nén chặt trên khuôn

Ở công đoạn đầu tiên, lượng nguyên liệu đưa vào phải được ước lượng sao cho phù hợp với khuôn ở công đoạn cuối, không bị dư hoặc thiếu khi cho vào khuôn và cốm được trãi đều trên khuôn khi nén chặt. Sau đó được cắt thành những miếng cốm nhỏ xinh, đóng gói và cho ra thành phẩm.

Bên cạnh việc tham quan, du khách cũng có thể tự tay trải nghiệm các hoạt động đơn giản trong qui trình làm cốm, như rang, nén và cắt cốm….

Kết thúc quá trình tham quan, du khách có thể vừa tận hưởng miếng cốm vừa nhâm nhi tách trà nóng, thư giãn cùng sông nước hữu tình và đây cũng là món quà giản dị nhưng ý nghĩa mà du khách có thể mang về sau chuyến đi đén Vĩnh Long của mình./.

Bài, ảnh: Thanh Thanh

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu