Qua 03 năm thực hiện Chương trình hành động số 04-CTr/HU, ngày 20/11/2020 của Huyện ủy Trà Ôn, lĩnh vực phát triển du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc trên địa bàn huyện luôn được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Đến nay
Hiện tại trên địa bàn toàn huyện có 05 cơ sở du lịch và 01 Homestay, còn có 01 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Lăng Ông Tiền Quân Thống Chế Điều Bát; 11 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh; 01 lễ hội cấp quốc gia; 01 làng nghề bánh tráng Cù lao Mây. Ngoài ra trên điah bàn còn có vườn chim Vạc tại xã Tân Mỹ, với diện tích đất khoảng 1,8 ha, có vài chục cá thể chim Vạc, cao điểm có đến hơn 2.000 cá thể đến cư trú. Trong thời gian qua, huyện đã và đang mời gọi các công ty du lịch lữ hành từ Cần Thơ và các tỉnh lân cận gắn kết các tuor du lịch giới thiệu khách đến tham quan vườn chim Vạc. Qua đó, từng bước nâng cao ý thức trong cộng đồng nhằm chung tay bảo tồn, phục hồi, bảo vệ đa dạng sinh học; chia sẻ và lan tỏa thông điệp bảo vệ Vườn chim trời, từng bước xây dựng hành vi thân thiện với môi trường thiên nhiên.
Hoạt động các điểm du lịch sinh thái vườn, tâm linh trên địa bàn huyện trong 3 năm qua thu hút 62.628 lượt khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Các hoạt động tuyên truyền, quảng bá về du lịch đã có những bước chuyển biến tích cực, có trọng tâm trọng điểm; tuyên truyền quảng bá những nét đặc sắc về quê hương và con người Trà Ôn, quảng bá tiềm năng và thế mạnh về du lịch của huyện qua hệ thống loa truyền thanh, bản tin, trang tin điện tử, báo xuân, biển quảng cáo của hộ kinh doanh và youtube....Qua đó, hình ảnh du lịch Trà Ôn được giới thiệu, quảng bá rộng rãi đến du khách trong và ngoài nước cũng như kêu gọi các dự án tài trợ cho Cù lao Mây.
Định hướng phát triển du lịch trong thời gian tới, huyện tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm như:
Một là, tiếp tục chủ động phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, các địa phương cùng thực hiện Kế hoạch phát triển du lịch, tranh thủ các nguồn lực để đầu tư xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Trong đó vận động, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển các khu quy hoạch du lịch theo hướng du lịch sinh thái sông nước kết hợp với văn hóa lễ hội, các di tích đình, chùa, làng nghề; đầu tư xây dựng các cơ sở hoạt động vui chơi giải trí, dịch vụ du lịch, dịch vụ thương mại chất lượng, đa dạng, phong phú... đáp ứng nhu cầu của du khách.
Hai là, phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch lịch tỉnh, các sở, ngành tỉnh có liên quan tiếp tục triển khai Nghị quyết 173/2019/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Long, ngày 31/5/2019 về ban hành “chính sách hỗ trợ phát triển du lịch đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long” để hướng dẫn các hộ kinh doanh du lịch đăng ký gói hỗ trợ (Homestay). Đồng thời, tuyên truyền, vận động các hộ triển vọng, hộ đang kinh doanh du lịch liên kết phát triển du lịch cộng đồng tại xã Phú Thành.
Ba là, phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thành phố Cần Thơ liên kết các công ty du lịch trên nhiều lĩnh vực từ vận chuyển, lưu trú đến các dịch vụ như ăn uống, hướng dẫn viên…để phục vụ du khách và cùng nhau phát triển, đôi bên đều có lợi.
Bốn là, tiếp tục kêu gọi đầu tư phát triển du lịch; phối hợp với Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch tỉnh Vĩnh Long, các tỉnh thành trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh kêu gọi các doanh nghiệp lữ hành nội địa và quốc tế của tỉnh giới thiệu khách về địa phương tham quan các điểm du lịch, các di tích lịch sử. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, đóng góp các nguồn lực cho xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương. Tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch điểm đến của địa phương về hình ảnh quê hương, con người Trà Ôn thông qua hoạt động, sự kiện trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch.
Năm là, phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh trùng tu tôn tạo các khu di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện; xây dựng các thiết chế văn hóa; các cơ sở hạ tầng; các dịch vụ du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu đối với khách tham quan, du lịch đến địa phương. Tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng lễ hội truyền thống tại các di tích lịch sử văn hóa đặc biệt là lễ hội Lăng Ông, các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer.
Sáu là, lồng ghép các nội dung phát triển du lịch với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phát triển ngành nghề nông thôn; tăng cường xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp sạch gắn với phát triển du lịch nông thôn, du lịch sinh thái. Hướng dẫn người dân về kỹ thuật, giống cây trồng mới đặc sản mang lại hiệu quả kinh tế, phục vụ cho khách du lịch; Quan tâm điều chỉnh nguồn vốn cấp thủy lợi phí hàng năm để nạo vét kênh thủy lợi vào các điểm du lịch giai đoạn 2021-2025 nhằm tạo điều kiện phát triển du lịch sông nước miệt vườn được thuận lợi hơn.
Bảy là, tiếp tục tuyên truyền, vận động các cơ sở du lịch nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu du khách, cộng đồng cư dân Cù lao Mây chủ động nâng cao tri thức, rèn luyện kĩ năng giao tiếp và luôn giữ thái độ niềm nở, chân tình khi tiếp xúc với du khách. Đặc biệt liên kết phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại địa phương tạo ra nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng và quà tặng độc đáo, hấp dẫn, thu hút du khách./.
Bài ảnh: Tố Loan