Về miền ký ức

24/07/2023 775 0

Về Vĩnh Long, hòa mình cùng với người dân, đốt đuốc lá dừa đi xem hát Bội ở đình làng, trong không gian văn hóa Nam Bộ xưa.

Nghệ nhân đang biểu diễn trích đoạn“Bức ngôn đồ Đại Việt”

Hát bội là một loại hình sân khấu cổ điển của Việt Nam. Riêng ở Nam Bộ xuất hiện vào khoảng đầu thế kỷ XIX, hát bội gắn liền với tín ngưỡng thờ thần Thành Hoàng bổn cảnh. Trong các dịp lễ hội, hát bội được trình diễn ở đình làng trước dâng cúng thần linh, và sau đó giúp vui cho bà con nông dân trong lúc nông nhàn. Hát bội mang tính tượng trưng-ước lệ về: Chính trị -sân khấu, điệu bộ, ca điển, vẻ mặt, y trang. Hình thức của hát bội là những nghi thức tẩu trình, thưa bẩm, nghi lễ được quy ước theo khuôn khổ trong cung đình…Nhưng theo dòng thời gian sức lan tỏa của hát bội dần bén rễ trong dân gian.Với tâm tình phóng khoáng người nam Bộ không quan niệm hát bội chỉ dành cho giới thượng lưu, từ đó hát bội rũ bỏ những kiểu cách rườm rà những nghi lễ đậm chất bác học, kết hợp với tinh thần cởi mở của người dân Nam bộ hát bội ở đây dần hình thành những đặc trưng riêng.

Năm 2007 hát bội Vĩnh Long, vinh dự được Bộ Văn hóa -Thông tin chọn đi biểu diễn ở Mỹ, phục vụ tại Lễ hội với chủ đề "Mê Kông - Dòng sông kết nối các nền văn hoá" do Viện Smithsonian tổ chức tại Washington. (nguồn: Bảo Tàng Vĩnh Long )

        Ở Đồng bằng sông cửu Long trước đây có nhiều gánh hát bội nổi tiếng, nhiều nghệ nhân tài năng, trong đó có gánh hát bội Đồng Thinh ở Vĩnh Long. Năm 2007 hát bội Vĩnh Long, vinh dự được Bộ Văn hóa -Thông tin chọn đi biểu diễn ở Mỹ, phục vụ tại Lễ hội với chủ đề "Mê Kông - Dòng sông kết nối các nền văn hoá" do Viện Smithsonian tổ chức tại Washington. Đây là dịp để Đoàn Tuồng cổ Đồng Thinh biểu diễn giới thiệu với thế giới loại hình sân khấu tuồng cổ của dân tộc. Và năm 2010 Đoàn vinh dự được Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam mời biểu diễn tại Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Năm 2010 Đoàn nghệ thuật hát bội Đồng Thinh biểu diễn tại Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. (nguồn: Bảo Tàng Vĩnh Long )

Tour đốt đuốc lá dừa đi vào đình làng xem hát bội

Đến Vĩnh Long khi hoàng hôn buông xuống, từ Bến Cảng hành khách Vĩnh Long du khách lên tàu du ngoạn trên dòng sông Cổ Chiên, dưới ánh đèn dầu ấm cúng du khách thưởng thức những món bánh dân gian… được nghe kể những câu chuyện về tình đất, tình người, khoảng 20 phút trên tàu ngắm thành phố Vĩnh Long về đêm, du khách sẽ đến đầu làng Bình Lương (nay là ấp Bình Lương, xã An Bình trên cù lao An Bình) bắt đầu chuyến hành trình trải nghiệm đuốc lá dừa soi đường đi đến đình làng xem Hát Bội.

Khi đến nơi du khách được các vị bô lão chào đón và được thưởng thức tiết mục đốt đèn măng xông tại trước sân Đình

Các cụ trong Ban quản lý Đình sẽ biểu diễn và hướng dẫn cách đốt đèn măng xông rất thú vị, chiếc đèn một thời mà ngày xưa ở quê chỉ nhà khá giả mới mua được cây đèn măng xông, hay còn gọi là “ết đa”, giá ước tính “tròm trèm gần trăm giạ lúa”. Đèn cũng chỉ được người ta mang ra dùng mỗi khi Đình có dịp lễ hội như: Kỳ yên, Hạ điền, Thượng điền hay phục vụ hát Bội tại Đình mỗi khi có lễ hội hoặc trong làng có tiệc cưới hỏi …

Tiếp đến du khách được hướng dẫn vào trong chính điện của Đình để dâng hương

Đây là giây phút thiêng liêng để du khách thắp nén tâm nhang dâng lên các bậc tiền nhân, những người có công lao to lớn đi mở cõi về vùng đất Phương Nam một thời mà nơi đây được ví “Rừng thiên nước độc thú bầy. Muỗi kêu như sáo thổi. Đỉa lội như bánh canh…”. Dưới mái đình làng Nam Bộ, ánh đèn măng xông tỏa sáng, ngồi trên ghế đẩu, tay cầm quạt mo cau…những vật dụng này như tô điểm thêm cho không gian hoài cổ nhẹ nhàng và sâu lắng, với tâm trạng hồi hộp được xem hát bội.

Việc vẽ mặt nhân vật chính là một trong những bộ phận cấu thành nên nghệ thuật hóa trang tuồng hát bội

NNƯT Vũ Linh Tâm (tên thật Nguyễn Văn Tốt) đang hóa trang

Trong nghệ thuật tuồng hát bội, việc sử dụng các kiểu vẽ mặt được quy ước để biểu hiện tính cách nhân vật, như: Mặt mốc là nịnh thần gian xảo; mặt trắng thường dành cho các nam, nữ thư sinh; mặt đỏ là người xuất thân  thuộc người trí tướng, nghĩa khí; mặt đỏ bầm cũng chỉ nhân vật trí tướng, sức mạnh hơn người nhưng là nhân vật phản diện, mặt đen chỉ người xuất thân từ con nhà võ tướng, tính khí nóng nảy.

Ngoài màu sắc, các yếu tố khác trong kẻ mặt cũng hàm chứa tính cách nhân vật theo cách ví von trong dân gian, như: “Mặt lưỡi cày là tay đoản hậu”; “đàn ông rộng miệng thì sang”; “mặt chữ điền, râu liên tu là người đôn hậu”... Chính những yếu tố quy ước dân gian này mà tuồng luôn gần gũi với công chúng và đã định hình nếp nghĩ trong người dân xưa nay: “Người trung mặt đỏ, đôi tròng bạc/ Đứa nịnh râu đen, mấy sợi còi”.

Theo nghệ nhân Ưu tú Vũ Linh Tâm, trong hát bội có hai loại mặt đáng lưu ý nhất là mặt trắng và mặt rằn. Sáng tạo ra hai loại mặt này để nhìn vào khán giả có thể phân được vai chính, tà. Nhưng nghệ thuật hát bội khán giả chú ý đến cái đẹp của hành động điệu bộ diễn xuất nhiều hơn, chính cái đẹp diện mạo chỉ là phần hỗ trợ. Bởi có mặt trắng phe trung như Địch Thanh, Hứa Hớn Văn, thì cũng có mặt trắng phe nịnh như Lữ Bố, Lý Thông; có vai mặt rằn trung như Lưu Khánh, Trương Phi, thì cũng có mặt rằn nịnh như Tạ Ôn Đình, Xích Bảo…

 

Hát bội đình làng là một lễ hội chứa đựng nghệ thuật hành xử thân thiện, nó vừa giàu vật chất vừa giàu tình cảm…

Dưới mái đình làng thưởng thức hát bội Các nghệ nhân thể hiện diễn xuất thần, với cử chỉ đôi mắt, gương mặt, điệu bộ hòa cùng tiếng trống chầu làm cho mọi người như lặng đi trong nhiều cảm xúc... Đây là dịp để trong mỗi tâm hồn của du khách có được sự hạnh phúc khi trở về với không gian văn hóa Đình làng nam Bộ xưa, cũng là cơ hội cho giới trẻ hôm nay ít nhiều biết được những giá trị di sản văn hóa mà ông cha ta đã để lại…nhớ về một thời các bậc Tiền nhân đi mở cõi vùng đất Phương Nam. Du khách sẽ cảm nhận được một chuyến trải nghiệm đầy ý nghĩa sau những tháng ngày làm việc mệt nhọc với những đô thị ồn ào xe cộ…

Nhưng hiện nay hát Bội dần bị mai một, nghề hát bội trải qua nhiều thăng trầm, có lúc tưởng chừng bị lãng quên, nhưng ở Vĩnh Long có một người gần 50 năm qua vẫn luôn nặng lòng với nghề này. Về Long Hồ, Vĩnh Long, hỏi thăm nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Vũ Linh Tâm (tên thật Nguyễn Văn Tốt) có rất nhiều người biết đến. Ông sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, năm 13 tuổi, NNƯT Vũ Linh Tâm đã theo chân các thành viên trong gia đình biểu diễn cho đến ngày nay./.

 Bài ảnh: Huỳnh Duy

 

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu