Vĩnh Long – “mảnh ghép” bình yên nơi vùng đất chín rồng

09/08/2023 1855 0

“Qua Long Xuyên đến Vĩnh Long, Trà Vinh,
Sông quê tôi thắm trong tim đậm tình”

Trên chuyến xe đò đưa tôi về với quê hương vang lên khúc hát làm bao nhiêu kỷ niệm ùa về trong ký ức, sau bao năm xa quê tôi trở về đây trong tâm thế của một người con đất Vĩnh. Dòng sông Tiền bao năm vẫn hiền hòa chảy dưới chân cầu Mỹ Thuận, từng đám lục bình lặng lẹ trôi trên dòng nước đục ngầu mang phù sa bồi đắp cho đôi bờ, xa xa vang vọng lại tiếng nổ của những chiếc ghe cào mang theo bao nỗi nhọc nhằn của người dân miền sông nước. Cũng là những con đường, những ngôi nhà quen thuộc nhưng hôm nay lại mang một niềm cảm xúc dâng trào.

Nếu so với những tỉnh, thành phố khác thì Vĩnh Long có thể sẽ không xa hoa, không lộng lẫy cũng chẳng mang trong mình cái “phồn hoa đô hội”, nhưng cái đẹp của quê hương tôi là cái đẹp của tâm hồn, của cái tình cái nghĩa từ ngàn xưa “tối lửa, tắt đèn có nhau”, của những vườn cây trái sum xuê, những giọt mồ hôi chạy dài trên đôi gò má, trên vầng trán của người nông dân giữa trưa hè chạy vội cho kịp chuyến đi buôn, hay cuốn vội tay lưới phơi lúa khi trời sắp bắt đầu giông gió…tất cả hòa nhịp tạo nên một bản “đồng dao” yên bình của mảnh đất được coi là trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long.

Cảnh đêm yêm ả của Thành phố Vĩnh Long cạnh dòng sông Cổ Chiên

“Hò ơi, đất Vĩnh Long vườn xanh cây trái
Hương lúa đồng thơm ngát chiều quê”

Chẳng phải tự nhiên mà người nhạc sĩ viết lên những câu hò điệu lý đi vào lòng người, Vĩnh Long được thiên nhiên ưu ái ban cho nguồn nước ngọt quanh năm, dòng nước êm đềm lặng lẽ mang phù sa bồi đắp, qua bàn tay khéo léo của người nông dân tạo nên những “bức tranh” sống động về những cánh đồng lúa bạt ngàn “cò bay thẳng cánh”, những vườn “cây trái oằn bông”, sẵn sàng làm xiu lòng ai đó một lần đến đây.

Những vườn trái cây đang vào mùa thu hoạch

Điều làm tôi nhớ nhất khi xa nơi này không chỉ có vậy, mà còn là hình ảnh người dân Vĩnh Long hiền lành, mến khách, những bữa cơm giản dị bên chiếc bàn tròn, mọi người quây quần bên nhau, chia cho nhau từng con cá kho khô, từng cọng rau vườn luộc …dù chỉ là những hình ảnh giản dị, lời nói chân chất, thật thà nhưng tình yêu thương luôn đong đầy qua từng chi tiết nhỏ, làm chạnh lòng những người con khi cất bước đi xa, những vị khách lữ hành một lần đến thăm nơi này, như nhạc sĩ Thanh Sơn cũng có câu hát

“….ngây ngất bước chân, tôi về không nỡ

Ở cũng chẳng đành, thương miền đất ngọt an lành….”

Bữa cơm gia đình, ấm lòng người xa quê

Về đây, những con đường làng lổm chổm sỏi đá ngày nào đã được bê tông hóa, cây cối hai bên đường cũng đã lớn, cành lá sum xuê, che bóng mát cho cả con đường. Dù ngày nay với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, nhưng người dân quê vẫn giữ được nét đẹp trong văn hóa dân tộc qua các tín ngưỡng các phong tục, làng nghề được truyền từ đời này sang đời khác. Vào những dịp cúng đình hay lễ Tết người dân vẫn thường hay đi xem hát bội ở đình làng, hòa mình vào với ánh sáng lập lòe của cây đuốt, với tiếng trống và câu ca hào hùng của người nghệ sĩ và nhớ về ngày xưa, những tháng ngày còn khó khăn nhưng tình làng nghĩa xóm chưa bao giờ “tắt”.

Hát bội - nét đẹp trong văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung và của người dân Vĩnh Long nói riêng

Đấy, chỉ bao nhiêu đó thôi cũng đủ thấy người dân nơi này chất phát, thật thà đến nhường nào và nếu không mang trong những những điều chân thành, mộc mạc giản dị ấy thì Vĩnh Long cũng đã không được gọi với cái tên thật “kêu” là “Đệ nhất homestay”, với những khu homestay thu hút khách gần xa không chỉ vì vẻ đẹp độc đáo mà còn vì con người Vĩnh Long hiền hậu, hiếu khách, để cho ai nấy đến đây cũng giống như được trở về nhà.

Homestay Sáu Thành, một trong những homestay đạt giải thưởng ASEAN được công nhận vừa qua

“Về đây, người quê chỉ có tấm lòng, có chiếc xuồng ba lá để yêu em”

Nếu có dịp hãy một lần đến thăm miền đất này, hòa mình vào thiên nhiên trong lành, ngồi trên chiếc xuồng ba lá, men theo những con sông nhỏ hái hoa lục bình, nghe mùi hoa bần chín ở ven sông, bắt từng con cá, hái từng quả chín, tự tay làm cho mình những món ăn đặc sản của vùng sông nước, cùng nhau nhâm nhi ly rượu trắng, nghe người nghệ sĩ cất câu vọng

“Từ là từ phu tướng

Bảo kiếm sắc phong lên đàng

Vào ra luống trông tin chàng

Năm ớ canh mơ màng

Em luống trông tin chàng

Ôi gan vàng quặn đau í a”,

một lần cảm nhận nụ cười chân thành, hiền hậu của người con đất Vĩnh. Và cũng đừng quên đi thăm các làng nghề truyền thống được truyền lại từ bao đời, thăm những lò gạch cũ trãi qua bao cuộc bể dâu nay cũng đã phai màu cùng năm tháng, hay những di tích lịch sử mang dấu ấn của thời cuộc và cùng dạo bước trên những con đê, con đường làng để cảm nhận trọn vẹn linh hồn của đất, của nước và của con người nơi vùng đất Vĩnh Long./.

Bài, ảnh: Thanh Thanh

 

Bài viết có sử dụng các đoạn trích trong các bài hát:

Hành trình trên đất phú sa –Thanh Sơn

Vĩnh Long tình hương lan –Trương Phi Hùng

Ngẫu hứng lý qua cầu – Trần Tiến

Hành trình trên đất phù sa – Lê Dinh

Dạ cổ hoài lang – Cao Văn Lầu

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu