DI TÍCH CÔNG THẦN MIẾU - Điểm tham quan du lịch hướng về nguồn cội

22/06/2020 22/06/2020

3793 0

Trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam có một truyền thống quí báu là sự trân trọng và tôn vinh những giá trị văn hóa lịch sử, là những giá trị cao quí, tạo nên cốt cách, tâm hồn người Việt, vì thế cho nên trải dài khắp đất nước, tỉnh nào cũng đều có những đình, miếu, lăng tẩm... do nhân dân xây dựng nên cho các thế hệ hậu sinh tổ chức thờ cúng, ghi nhớ, tri ân, nhắc nhớ về công đức của tiền nhân.

Tại tỉnh Vĩnh Long có di tích Công Thần miếu, tọa lạc tại phường 5, thành phố Vĩnh Long là một trong 06 miếu Hội đồng của Nam Kỳ Lục tỉnh xưa, là di tích duy nhất có 85 đạo sắc ở Vĩnh Long được gìn giữ và bảo quản  nguyên vẹn. Làm được điều này, các thế hệ nối tiếp nhau hàng trăm năm qua đã không tiếc công, tiếc của và không sợ hiểm nguy đấu trí với các thế lực thù địch, để giữ gìn một biểu tượng quí giá của truyền thống, nguồn cội và bản sắc văn hoá dân tộc.

Cùng với các loại văn bản và thư tịch cổ như chiếu, chỉ, hịch, văn bia, gia phả…, sắc phong thần được xem như một loại văn bản pháp quy mang tính chính thống, thể hiện mệnh lệnh của nhà nước phong kiến. Sắc phong là loại văn bản độc bản do đích thân vua ban. Sắc phong thần phản ánh quyền uy tối thượng của nhà vua, nó thể hiện rằng nhà vua là đấng thiên tử (con trời) xuống dân gian để cai quản con dân nên không chỉ trị vì muôn dân trong thế giới trần tục mà còn cai quản cả thế giới thần linh, kết hợp với các tín ngưỡng và đời sống tâm linh (Thành hoàng, Tổ tiên, Vật linh, Tổ sư, Sùng bái thiên nhiên…). Nhà vua thay mặt triều đình ghi nhận công lao, ban thưởng, ban chức cho các vị thần có công với nước.

Ở Vĩnh Long, thực tế hiện trạng các đạo sắc phong thần được lưu giữ tại đình, miếu, lăng... có nơi lưu giữ một đạo sắc, có nơi lưu giữ được hai. Một số di tích hiện nay không còn nhưng sắc phong được nhân dân gìn giữ rất tốt. Đặc biệt “Miếu Công Thần” là cơ sở tín ngưỡng quan trọng nhất, phụng thờ 85 sắc của 34 vị thần linh. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, Miếu Hội Đồng của tỉnh Vĩnh Long xây dựng năm Minh Mạng thứ 17 (1837) tại thôn Thanh Mỹ Đông, huyện Vĩnh Bình.

Năm 1867, thực dân Pháp chiếm được ba tỉnh miền Tây, theo chủ trương của chính quyền đô hộ là triệt tiêu tất cả các thành trì, dinh thự từ cấp huyện trở lên. Vì vậy thực dân Pháp đã phá Miếu Hội Đồng Vĩnh Long đem về cất dinh tham biện (tòa bố). Rất may, tất cả các đồ thờ cúng của nhân dân vẫn giữ được nguyên vẹn và đem về thờ tạm tại đình Thiềng Đức.

Đến ngày 27/4/1918, thống đốc Nam Kỳ thuộc Pháp, ký quyết định cho phép lập miếu, giới thân hào, nhân sĩ chủ trương đổi tên gọi Miếu Hội đồng là miếu Công Thần.

Theo nội dung 85 sắc phong của Công Thần miếu thì tất cả 34 vị thần thờ tại đây được phong tặng, hay gia tặng theo chiếu lễ Đàm Ân, nhân lễ ngũ tuần đại khánh tiết của vua Minh Mạng năm thứ 21 (1840) nhưng mãi đến tháng 7 năm Thiệu Trị thứ 3 (1843) vua Thiệu Trị mới thay lời vua cha cắp sắc phong cho tỉnh Vĩnh Long. Đến tháng 7 nhuần cùng năm ấy vua Thiệu Trị tiếp tục cấp sắc gia phong cho những vị thần vừa được cấp sắc phong tháng trước. Nhưng không hiểu vì lý do gì, toàn bộ sắc phong hai đợt năm 1843 đều bị tiêu hủy. Do đó tỉnh Vĩnh Long đề nghị tái cấp và được vua chuẩn y.

Đến ngày mùng 10 tháng 12 năm Thiệu Trị thứ 7 (đầu năm 1848) vua Thiệu Trị thay mặt vua Minh Mạng tái cấp cho miếu Hội Đồng Vĩnh Long 34 đạo sắc, 34 đạo sắc phong này có thể đã viết trước ngày đóng ấn, vào khoảng tháng 08 vì tháng 09 năm ấy vua Thiệu Trị băng hà, vua Tự Đức lên ngôi nhưng mãi đến ngày mùng một tháng giêng năm sau mới sử dụng niên hiệu Tự Đức. Cũng trong ngày mùng 10 tháng 12 năm Thiệu Trị thứ 7 (1848) miếu Hội Đồng Vĩnh Long được cấp 34 đạo sắc của vua Thiệu Trị gia phong những vị thần đã thờ tại miếu. Những sắc này có thể được viết trong khoảng từ tháng 9 đến tháng 12 nên ghi niên hiệu Thiệu Trị mà lời của vua Tự Đức. Tiếp đến, ngày mùng 3 tháng 7 năm Tự Đức thứ 3 (1850) miếu Hội Đồng Vĩnh Long được cấp thêm 17 đạo sắc.

Miếu Công Thần Vĩnh Long thờ hệ thống thần linh gồm 21 vị Nhân thần và 13 vị Nhiên thần, hệ thống thần linh này do người đi khai hoang đem từ quê hương cũ vào. Trong số này có những vị thần có từ huyền thoại người Việt cổ. Có những vị thần ở vùng duyên hải miền Bắc, miền Trung, có những vị thần tiếp thu từ văn hóa Chămpa, những biểu tượng núi sông, những vị sinh tiền có công với đất nước, với vùng đất Long Hồ. 34 vị thần được thờ tại miếu Công Thần Vĩnh Long có vị được hai đạo sắc, có vị được ba đạo sắc được phong tặng vào các đời Thiệu Trị thứ bảy (1848), Tự Đức thứ ba (1850). Các vị thần được phong tặng là những người có công khai hoang mở đất, xây dựng quê hương, những người có công trong công cuộc chống ngoại xâm bảo vệ đất nước. Bên cạnh đó, còn có các vị thần bảo vệ, phù hộ nhân dân có cuộc sống an lành, giúp cho mưa thuận gió hòa, nhân dân có cuộc sống ấm no hạnh phúc. Qua nghiên cứu thần sắc, sẽ biết được công lao của các vị thần được triều đình ghi nhận qua các bậc sắc phong là thượng đẳng, trung đẳng, hạ đẳng thần (chi thần).

Công Thần miếu vẫn còn lưu giữ 28 sắc phong Hạ đẳng thần (chi thần) trong 85 sắc phong, điều mà hầu hết các di tích khác không thực hiện được. Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long đã chọn và đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét công nhận bảo vật quốc gia.

Trong định hướng của Vĩnh Long về phát triển tiềm năng du lịch, về mặt cảnh quan và tâm linh, Công Thần miếu được chú ý là điểm để du khách đến tham quan nghiên cứu rất lý tưởng, để tìm hiểu các di chỉ của triều đình Nhà Nguyễn và khám phá cảnh quan thơ mộng bên dòng sông Tiền, một trong chín nhánh của sông Cửu Long  chảy ra biển Đông.

Về mặt tâm linh, nhân dân địa phương ghi nhận với tấm lòng tri ân về sự kiện 85 sắc thần trải qua bao lần bị đốt phá và di dời, vẫn được bảo quản nguyên vẹn cho đến ngày nay, bà con cho rằng di tích và các di chỉ này đã được thánh thần linh thiêng phù hộ, che chở. Trước đây và đến tận ngày nay, giới thương hồ xuôi ngược trên dòng sông khi đi ngang qua bến Đình Khao, nhất là những lúc sóng to gió lớn, họ đều ngã mũ cuối đầu khấn vái thần linh che chở được bình an. Chính vì thế cho nên các kỳ lễ hội được tổ chức định kỳ trong năm rất đông khách thập phương đến viếng và cúng bái để cầu an gia đạo, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cầu cho quốc thái dân an… Đặc biệt trong lễ hội có hình thức cúng vong (thả thuyền) trên sông Tiền gọi là "thuyền tế tống ôn - tống gió", song song với tổ chức lễ cúng bái, phần hội còn có nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian như : múa lân, trò chơi dân gian, hát bội, cải lương… tạo nên nhiều màu sắc đa dạng và phong phú.

Công Thần Miếu - Điểm đến lý tưởng cho du khách đến với Vĩnh Long

Tuy nhiên, trong nhiều năm qua lễ hội Công Thần miếu tại một di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia, là nơi chứa đựng, gìn giữ nhiều di chỉ bảo vật mang tầm quốc gia nhưng vẫn mang tính chất địa phương, chưa được quảng bá rộng rãi, do vậy chưa có điều kiện để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước như các nơi khác đã và đang thực hiện. Vì thế cho nên cần thiết phải có kế hoạch mở rộng công tác quảng bá, giới thiệu về cảnh quan du lịch sông nước vùng đồng bằng và về mặt tâm linh trong công tác tổ chức lễ cúng viếng, cầu an…

Về mặt khoa học, sắc phong không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo mà còn là nguồn tư liệu quý chứa đựng nhiều thông tin chính xác có thể bổ khuyết cho chính sử hoặc các nguồn thư tịch cổ khác.

Việc nghiên cứu một cách đầy đủ và có hệ thống về sắc phong sẽ giúp cho chúng ta hiểu thêm nhiều vấn đề về lịch sử niên đại, triều đại, nhân vật, địa danh địa phương, hội họa, thư pháp, kỹ thuật làm giấy cổ truyền…

Vì vậy, trong tương lai cần có công tác xúc tiến đầu tư in ấn, dịch thuật các di chỉ theo phương pháp hiện đại để giới thiệu và hướng dẫn du khách việc tổ chức tìm hiểu, nghiên cứu nội dung các di chỉ, có thể chỉ dẫn về thờ tự đúng với nghi thức và tập quán của di tích.

Một công tác quan trọng khác là cần xây dựng kế hoạch, vận động đầu tư thêm cơ sở vật chất, nhân lực chuyên môn về du lịch tại di tích, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách. Tổ chức chu đáo công tác phục vụ ăn uống, nghỉ dưỡng, giới thiệu đặc sản địa phương, có kế hoạch kết nối du lịch sinh thái tại địa phương và các vùng lân cận, giữ chân du khách lưu trú lâu hơn khi đến tham quan, du lịch ở Vĩnh Long.

Nếu có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt và đầu tư dài hơi, mạnh mẽ chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả lớn, góp phần phát triển ngành du lịch Vĩnh Long trở thành ngành kinh tế quan trọng như định hướng của tỉnh đã đề ra./.

(Bài viết có sử dụng một số tài liệu chuyên môn của Bảo Tàng Vĩnh Long)

              Lê Nguyễn

Bản đồ

Lịch trình mẫu