Tìm hiểu tín ngưỡng thờ Bà Thiên Hậu của người Hoa

23/08/2023 1313 0

Người Hoa là một trong 54 tộc người cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam, di cư sang Việt Nam từ khá lâu. Trong hành trang mang đến Việt Nam, bên cạnh kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, làm ăn, buôn bán, người Hoa còn mang theo tín ngưỡng dân gian rất đặc trưng, đó là tín ngưỡng thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu.

Thiên Hậu Thánh Mẫu- Phúc thần biển cả

Trong quyển “Tiếp cận tín ngưỡng dân dã Việt Nam”, tác giả Nguyễn Minh San cho rằng, từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ X người Hoa đã di cư đến nước ta và những thế kỷ tiếp theo, do biến động về chính trị, nhiều thành phần người Hoa tiếp tục di cư vào Việt Nam. Còn tại phương Nam của Tổ quốc, lịch sử ghi nhận sự kiện vào năm Kỷ Mùi (1679) một đoàn người gồm khoảng 3.000 dân, binh Trung Hoa đi trên 80 chiến thuyền vượt biển đến Đà Nẵng đệ đơn xin chúa Nguyễn cho phép tỵ nạn chính trị. Chúa Nguyễn chấp thuận thỉnh cầu và cử người hộ tống đoàn về phương Nam.

Tại đây, chúa Nguyễn cắt đặt cho nhóm của Tổng binh Cao- Lôi- Liêm là Trần Thượng Xuyên (tức Trần Thắng Tài) định cư ở Biên Hòa, nhóm của Tổng binh Long Môn Dương Ngạn Địch định cư ở Mỹ Tho, nhóm khác tìm nơi sinh cơ lập nghiệp ở ĐBSCL. Chúa Nguyễn đặt tên làng của người Hoa nhập cư là “làng Minh Hương” mang ý nghĩa “hương hỏa cho triều đại nhà Minh”, đến đời vua Minh Mạng, Minh Hương chuyển sang ý nghĩa “quê hương của người Minh” cho phù hợp quan hệ bang giao với nhà Thanh.

Người Hoa ở Việt Nam có nguồn gốc từ nhiều địa phương của Trung Hoa, nhưng tập trung chủ yếu là Quảng Đông, Phúc Kiến, Hải Nam…Trong hành trang họ mang đến đất phương Nam, ngoài kinh nghiệm buôn bán, làm ăn, sản xuất thuốc Bắc trị bệnh, người Hoa còn mang theo tín ngưỡng dân gian thờ Bà Thiên Hậu- một trong những bản sắc văn hóa đặc sắc của người Hoa.

Tìm hiểu về sự tích Bà Thiên Hậu, có rất nhiều sử sách đề cập đến và cũng có nhiều truyền thuyết khác nhau. Sách “Thăng Long cổ tích khảo” khi nói về ngôi đền thờ Thiên Hậu ở phía ngoài Cửa Đông thành Hà Nội có viết: “Thiên Hậu là người Quảng Đông, cha, anh thường đi thuyền buôn bán ở Nam Hải. Một lần đang dệt vải nàng ngủ gật, tỉnh dậy nói với mẹ rằng cha và anh đã bị chết vì sóng gió ngoài biển. Sau nhận được tin quả nhiên như vậy. Khi đến tuổi trưởng thành, nàng cưỡi gió bay đi hóa thành thần biển”.

Theo “Đại Nam nhất thống chí”: “Đền thờ Thiên Hậu, người Phúc Kiến, nguyên là con gái nhà họ Ôn, lên 8 tuổi đi học phép tiên, 12 tuổi luyện được đan, có tài gọi gió, gọi mưa, từng bay ra biển cứu giúp những thuyền bị nạn, Thần được các triều Tống, Minh phong tặng, triều Thanh phong là Thiên Hậu Thánh Mẫu”.

Quyển “Thanh nhất thống chí” cũng khẳng định, Bà Thiên Hậu là vị thần của biển cả. Sách viết: “Thiên Hậu là tên một thần biển, con gái thứ sáu của Lâm Nguyện, tên là Lâm Tức Mặc, người Bồ Điền, tỉnh Phúc Kiến. Khi sinh ra có hương thơm ngào ngạt, hào quang rực rỡ, lớn lên có phép màu cỡi chiếu bay trên biển. sau khi thăng hóa thường mặc áo đỏ bay lượn trên biển. Thời Tống, Nguyên, Minh, Thanh thường hiển linh. Thời Khang Hy phong làm Thiên Phi, sau gia phong Thiên Hậu”.

Còn theo bảng viết tại miếu Thiên Hậu (Vĩnh Long): “Bà Thiên Hậu là một nữ thần, người Quảng Đông gọi là A Phò (Đức Bà). Theo tước phong của các triều đại phong kiến Trung Quốc gọi bà là Thiên Hậu Thánh Mẫu. Người Phúc Kiến và Hải Nam thích gọi bà là Đại Mẫu…Thiên Hậu đản sinh đến trọn tháng, chẳng nghe thấy tiếng khóc, nên có tên Mặc Nương; bốn, năm tuổi đã thông minh đĩnh ngộ, tám tuổi theo thầy mong đọc sách, bất cứ quyển nào qua mắt đều thuộc lòng, giỏi giải văn tự nghĩa lý. Sau lớn lên nhất chí không lấy chồng, quyết tâm suốt đời làm việc thiện, cứu người. Bình thời lại nghiên cứu y lý, vì người trị bệnh, cứu người phòng dịch tiêu tai. Sinh trưởng ở vùng eo biển, hiểu thiên văn khí tượng, nắm rõ thủy tính, dự đoán khí trời biến hóa, thương thuyền hoặc ngư thuyền vùng ấy thường được chỉ điểm cứu trợ. Tống Thái Tông, Ung Hi năm thứ Tư (công nguyên 987), tức năm Đinh Hợi, buổi chiều tối, ngày mùng chín, tháng chín, Thiên Hậu lên Mi Sơn, xa xa có tiếng tiên nhạc đón về, bèn thoát phàm thai nhập thánh thai, thành đạo”.

Chính vì vậy, khi đến Việt Nam định cư, người Hoa cũng mang theo tín ngưỡng thờ Bà Thiên Hậu và từ đó, nhiều ngôi chùa, ngôi miếu, đền thờ Bà Thiên Hậu được mộc lên khắp cả nước. Trong đó, có những ngôi chùa, miếu, đền được xây dựng ở cửa sông, dọc theo cửa biển. Song cũng có nhiều ngôi đền, chùa, miếu Bà Thiên Hậu được người Hoa xây dựng ở khu đô thị, vùng đồng bằng, giữa thành phố lớn…như: Quần Tân Hội Quán ở quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh), đền Thiên Hậu ở Cửa Đông thành Hà Nội, nhiều ngôi đền thờ Thiên Hậu ở Long Xuyên, Châu Đốc (An Giang).

Giải thích về điều này, tác giả Nguyễn Minh San trong quyển “Tiếp cận tín ngưỡng dân dã Việt Nam” cho rằng: “Có lẽ vì Bà là nữ thần nên người ta tin rằng Bà cũng “độ mạng” cho chúng sinh, đặc biệt là giới nữ ngoài thiên chức phù hộ cho người đi biển”.

Bà Thiên Hậu ở Vĩnh Long…

Ở Vĩnh Long hiện cũng có một ngôi miếu được xây dựng riêng, trang nghiêm để không chỉ cộng đồng người Hoa mà còn có cả người Việt thờ cúng Thiên Hậu Thánh Mẫu, đó là chùa Thiên Hậu, hay còn gọi tên chữ là miếu Thiên Hậu.

Miếu Thiên Hậu ở Vĩnh Long được xây dựng vào năm 1898, tọa lạc tại đường 30 tháng 4, phường 1, TP Vĩnh Long. Nói về lịch sử hình thành ngôi miếu, trên các bia ký tạo tác năm Mậu Tuất (1898) lưu giữ tại miếu có khắc: Vào tháng 5 năm Nhâm Ngọ (1882) tại Vĩnh Long xy ra trận dịch lớn. Trước tình thế nguy cấp, hai bang Quảng- Triệu cùng nhau lên Chợ Lớn cung thỉnh Thiên Thái Hậu Nguyên Quân giá lâm toạ trấn cứu nguy và sau đó, trận dịch được dập tắt.

Năm sau, cộng đồng người Hoa Quảng Đông chọn một mảnh đất tốt, có địa thế “bàn long cát địa” kiến tạo ngôi miếu thờ tưởng nhớ ơn đức của Bà và để thiện nam tín nữ có nơi đến chiêm bái. Nhưng cư dân và thương nhân tại Vĩnh Long chưa nhiều, nên đã kêu gọi cộng đồng thương nhân khắp nơi cùng phát thiện nguyện, tuỳ tâm quyên cúng. Ý nguyện chí thành này đã được 929 người đóng góp và ủng hộ 13.615 đồng bạc lớn để xây dựng miếu thờ Bà.

Miếu Thiên Hậu được xây dựng theo kiến trúc tứ hợp viện, có 16 cột gỗ bằng danh mộc, đòn tay bằng lõi gỗ cổ thụ. Từ cổng miếu nhìn vào là sân, kế đến là tiền điện, trung điện, chánh điện nối tiếp nhau theo kiểu chữ tam; giữa tiền điện và trung điện có thiên tỉnh; bên phải là tây lang. Mái lợp ngói ống thanh lưu ly, đầu đao thẳng, vách xây tường, cột, xuyên, trính bằng danh mộc và đá. Sau thời gian tồn tại, mái bị hư dột, năm 1997, ban quản trị lợp lại mái thay ngói ống bằng ngói âm dương đại tiểu.

Bàn thờ chính ở trung tâm miếu được sử dụng để thờ Bà Thiên Hậu. Hai bên là n thờ Việt Thành Thủy Khẩu Long Mẫu Nương Nương (Nữ thần vùng biển Quảng Đông. Dân chài rất tin tưởng, thờ cúng bà và cầu cứu bà khi gặp nạn ngoài biển) và bàn thờ Kim Hoa Phổ Chủ Huệ Phước phu nhân (Thần chủ quản việc sinh đẻ). Ngoài ra, miếu còn có bàn thờ Thiên địa mẫu, Quan Âm Bồ Tát, Môn Quan, Phước Đức Chánh Thần, Tài Bạch Tinh Quân, Quan Thánh Đế Quân. Như vậy, ngoài việc xây dựng miếu thờ Bà Thiên Hậu, người Hoa cũng thờ nhiều vị thần khác (cả nam thần và nữ thần), đây là nét đặc trưng của người Hoa Vĩnh Long trong việc phối thờ thần nhằm nguyện cầu sinh nhiều con nối dõi (cầu Mẹ Sinh, Mẹ Đậu) đến việc giúp được mua may bán đắc (Thần Tài).

Các hiện vật thờ phụng trong miếu như: khám thờ, hoành phi, câu đối được chạm khắc và sơn son thếp vàng rực rỡ, với nhiều đề tài, điển tích phong phú. Đặc biệt, 2 bên vách chánh điện có 2 phù điêu bằng xi măng đắp nổi hình Bà Thiên Hậu với Thuận Phong Nhĩ, Thiên Lý Nhãn cùng hai tiên nữ bay trên biển (vách trái) và miêu tả cảnh Bà Thiên Hậu hiển linh cứu người trên biển (vách phải).

Hàng năm, tại miếu Bà Thiên Hậu diễn ra nhiều ngày lễ. Trong đó, nổi bật là 3 lễ chính: lễ Nguyên Tiêu (rằm tháng giêng âm lịch), lễ vía Bà Thiên Hậu (22- 23/3 âm lịch) lễ cúng Tất niên (12 tháng Chạp). Các lễ này nhân dân khắp nơi gồm cả người Kinh và người Hoa ở TP Vĩnh Long và các địa phương lân cận đến chiêm bái rất đông, nhằm thể hiện lòng thành kính và tạ ơn Bà Thiên Hậu đã phù trợ cho họ mua may, bán đắc, gia đình dòng tộc được an lành, hạnh phúc.

Đây cũng là dịp để cộng đồng 2 tộc người Kinh- Hoa có dịp giao lưu văn hóa, trao đổi kinh nghiệm, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc để cùng chung tay lao động sản xuất, góp phần thúc đẩy quê hương ngày càng phát triển, giàu mạnh.

 

* Tài liệu tham khảo:

- “Tiếp cận tín ngưỡng dân dã Việt Nam”, Nguyễn Minh San, NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội 1994.

- “Di tích lịch sử văn hóa Việt Nam”, NXB KHXH, Hà Nội 1991.

- “Di tích lịch sử văn hóa Vĩnh Long”, Bảo tàng Vĩnh Long, 12/2004.

- “Hồ sơ di tích miếu Thiên Hậu”, Nguyễn Thanh Nha, Bảo tàng Vĩnh Long 2009.

 

Chú thích ảnh:

- 1: Miếu Bà Thiên Hậu ở Vĩnh Long

- 3: Thiên Hậu Thánh Mẫu được thờ ở trung tâm ngôi miếu

Bài, ảnh: MINH TRIẾT

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu