XUÔI VỀ VŨNG LIÊM VIẾNG THĂM KHU MỘ THÂN NHÂN DANH THẦN THOẠI NGỌC HẦU

02/06/2022 2114 0

Thoại Ngọc Hầu ( 1761 – 1829) còn có tên thật là Nguyễn Văn Thoại, ông là một trong những nhân vật có công lớn trong công cuộc khai phá vùng đất Nam Bộ. Ngày nay khi nhắc đến cái tên Thoại Ngọc Hầu, chúng ta điều liên tưởng ngay đến công trình các kênh đào vĩ đại ở miền Nam (Kênh Vĩnh Tế đào vào năm 1819 đến năm 1824 công trình nối liền Châu Đốc – Hà Tiên, kênh Thoại Hà đào vào năm 1818 dài hơn 30km nối liền rạch Đông Xuyên tới ngọn Giá Khê). Ông là một trong những danh tướng  lẫy lừng đã cống hiến và hi sinh cả cuộc đời mình để mở mang bờ cõi đất nước, giữ vững bình yên cho vùng đất Tây Nam Bộ.

Thoại Ngọc hầu quê ở làng An Hải, huyện Diên Phước, Phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay là phường An Hải Tây thuộc Quận 3, Tp.Đà Nẵng). Do ông sinh ra và lớn lên vào lúc chúa Trịnh xảy ra đánh nhau liên miên, vì sợ con trai mình bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến tranh thế nên mẹ ông đã mang hai anh em lánh nạn vào Nam năm 1775 và định cư tại làng Thới Bình trên Cù Lao Dài. Trong khoảng thời gian sinh sống tại đây, gia đình được ông Châu Vĩnh Huy là người đã vào định cư trước giúp đỡ, sau đó đã gã con gái mình là bà Châu Thị Tế cho Nguyễn Văn Thoại vào năm 1778. Bà Châu Thị Tế là một người vợ hiền đức và mẫu mực, bà đã góp phần lớn trong sự nghiệp chiêu dân lập ấp, khai cương thác địa cùng chồng, để nhớ ơn công lao của người phụ nữ đã giúp chồng và giúp nước, vua Minh Mạng đã ban đặt tên kênh Châu Đốc – Hà Tiên là Vĩnh Tế Hà, tên núi Sam là Vĩnh Tế Sơn.

Có thể nói Cù lao Dài chính là quê hương thứ hai của Thoại Ngọc Hầu. Trước đây vùng đất này vốn dĩ là một nơi hoang sơ, sình lầy chưa khai phá, thế nhưng khi Thoại Ngọc hầu đến đây, Ông đã vận động bà con cùng nhau góp sức biến nơi đây trở thành một nơi đất đai trù phú, cứ đi đến đâu ông cũng lập làng, lập xã chiêu mộ dân lành, đó là tấm lòng của kẻ “chăn” dân.

Khu mộ bà Nguyễn Thị Tuyết, Thân mẫu của danh thần Thoại Ngọc Hầu nằm tại ấp Thái Bình, Xã Thanh Bình và khu mộ nhạc phụ - Ông Châu Vĩnh Huy nằm tại ấp Thanh Lương, xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Kiến trúc cả hai khu mộ đều mang nét hài hòa giống nhau, đều có tường bao bọc gọi là uynh thành. Nhìn từ ngoài vào trong các công trình kiến trúc của khu mộ bao gồm: cửa mộ tiếp đến là phong tiền, sân bái đính, hương án, sau đó là mộ được xây dựng theo kiểu long đình, tiếp theo là miếu hậu thổ và bình phong hậu.

Căn cứ vào chữ đề trên bia đá trong khu mộ bà Nguyễn Thị Tuyết “Minh Mạng cửu niên, chánh nguyệt nhựt tạo”, chúng ta có thể đoán rằng khu mộ được xây vào tháng giêng, năm Minh Mạng thứ chín, tức năm Mậu Tí (1828). Lúc ấy Thoại Ngọc Hầu đã qua tuổi 67, ngoài ra trong khu mộ bà Nguyễn Thị Tuyết còn có một bia đá khác nằm trong bia đá năm Minh Mạng thứ chín, đó là bia đá do Thoại Ngọc hầu lập vào năm Bính Thìn (1796). Theo niên biểu Thoại Ngọc Hầu, vào tháng Giêng năm 1796, Chúa Nguyễn ra chỉ thị cho Nguyễn Văn Thoại đi sứ sang Xiêm, như vậy đến mùa thu năm 1796, ông về cù lao Dài và khắc bia mộ cho mẹ là bà Nguyễn Thị Tuyết. Cho đến năm 1828, ông mới cho xây dựng khu mộ cho mẹ ruột và cha mẹ vợ.

Khu lăng mộ thân mẫu bà Nguyễn Thị Tuyết được xây dựng bằng hợp chất vôi, cát kết hợp với gạch thẻ theo hình chữ nhật với diện tích 30,15m x 16,8m, lăng mộ nhìn về hướng Bắc và chếch về hướng Đông. Nằm bên trái mộ Bà Nguyễn Thị Tuyết là mộ của em gái Thoại Ngọc hầu tên Nguyễn Thị Định, bà là phu nhân  của khâm sai công thần theo hầu Nguyễn Ánh – Gia Long tại Vọng Các, bên phải mộ Nguyễn Thị Tuyết nằm ở góc tường ngang của cổng lăng là mộ của một vị quan không có tên giữ chức thượng đạo Cai Đội, tặng là Tráng tiết tá kỵ úy, thuộc đội Hùng Kính. Có nhiều giả thuyết cho rằng đây có thể là mộ của một hậu bối đã từng theo chinh chiến của Nguyễn Long vì bản thân của Thoại Ngọc Hầu cũng từng có thời kỳ hoạt động dưới quyền chỉ Huy của Nguyễn Long.

Khu mộ ông Châu Vĩnh Huy cũng có hình chữ nhật diện tích 16,28m x 15,25m, nằm trong khu vực vườn cây ăn trái của hộ ông Châu Vĩnh Phúc, mặt chính hướng ra Đông Nam, khu mộ có tường thành bao quanh, có một cửa ra vào. Toàn bộ kiến trúc của  cả hai khu lăng mộ đều có đặc điểm kiến trúc gần giống với quần thể kiến trúc lăng Thoại Ngọc Hầu ở Châu  Đốc, An Giang. Tuy nhiên có điểm đặc biệt là trên các ngôi mộ đều được chạm khắc các hoa văn án rồng, hoa lá, phụng cách điệu mang nhiều ý nghĩa đặc biệt.

Theo quyển “Thoại Ngọc Hầu qua những tài liệu mới” của tác giả Trần Hoàng Vũ, thì trước đây, chi Nguyễn Khắc còn sung túc ở cù lao Dài và ông Hương bái Nguyễn Khắc Vụ là người thường niên đứng ra tổ chức lễ giỗ. Nhưng từ năm 1945 đến nay, chiến tranh đã khiến dân chúng nhiều lúc bỏ làng mà đi ông Vụ cũng mất, chi Nguyễn Khắc tại cù lao Dài cũng không còn một ai. Do đó, lễ giỗ đến nay không còn. Giỗ họ Châu được con cháu dòng họ Châu cúng tế, vì miêu duệ họ Châu vẫn còn. Lễ giỗ được tổ chức vào mùng 7 tháng 7 âm lịch. Thời cố học giả Nguyễn Văn Hầu, ông chỉ biết họ Nguyễn Khắc có hai chi: Một ở cù lao Dài (Vĩnh Long) và một dời về Châu Đốc ( An Giang). Do đó, trước đây có ý kiến của các nhà nghiên cứu cho rằng: quê ngoại của Thoại Ngọc Hầu là ở Vĩnh Long.

Có thể nói hành trình kéo dài từ An Giang về đến Vĩnh Long đó là hành trình lịch sử tìm về cội nguồn thân thế của vị tướng tài ba có công trong việc xây dựng đất nước Thoại Ngọc Hầu. Khu mộ bà Nguyễn Thị Tuyết và ông Châu Vĩnh Huy được UBND tỉnh Vĩnh Long ra Quyết định 1297/QĐ-UBND ngày 15/06/2017 xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh./.

Một số hình ảnh khu mộ thân nhân danh thần Thoại Ngọc Hầu

                                                                                      Bài,ảnh: Quỳnh Như

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu