Tự hào vùng đất di sản Vĩnh Long

01/07/2024

Những dịp lễ hội đông đảo người dân, du khách trong, ngoài tỉnh về Văn Thánh miếu tham dự.

Bước vào đầu năm Giáp Thìn 2024, Vĩnh Long nhận cùng lúc 2 tin vui trong lĩnh vực văn hóa, khi Bộ Văn hóa-TT-DL có quyết định Lễ hội truyền thống- Lễ hội Văn Thánh miếu tỉnh Vĩnh Long và Nghệ thuật hát bội tỉnh Vĩnh Long, được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Như vậy, đến thời điểm hiện tại tỉnh Vĩnh Long đã có 4 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

 

Cụ thể, ngày 27/1/2020, Vĩnh Long tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày mất Tiền quân Thống chế điều bát Nguyễn Văn Tồn và công bố Quyết định Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Lăng Ông Trà Ôn. Tháng 4/2023, công bố Quyết định Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Làng nghề tàu hủ ky xã Mỹ Hòa- TX Bình Minh. 

 

Mới đây, ngày 21/2/2024, tại Quyết định 384/QÐ-BVHTTDL, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-TT-DL quyết định đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với di sản Lễ hội Văn Thánh miếu. Và tại Quyết định 385/QÐ-BVHTTDL, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-TT-DL quyết định đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với di sản Nghệ thuật hát bội tỉnh Vĩnh Long.

 

Văn Thánh miếu Vĩnh Long là biểu tượng chung cho nền học thuật, giáo dục Nam Bộ thời Nguyễn, có thời gian xây dựng và hoàn thành trước cả Văn miếu Huế (1808), nếu tính theo thời điểm xây dựng Văn miếu Trấn Biên là năm 1715 (Biên Hòa- Đồng Nai).

 

Bởi Văn miếu Trấn Biên xây dựng năm 1715 được xem là Văn miếu đầu tiên của xứ Đàng Trong, trong quá trình nhượng địa 3 tỉnh miền Đông, Pháp phá bỏ Văn miếu Trấn Biên, sĩ phu Nam Bộ đã dịch chuyển về miền Tây và Văn Thánh miếu Vĩnh Long được xây dựng như sự thay thế.

 

Vì lẽ đó, có thể xem Văn miếu Trấn Biên là tiền thân của Văn Thánh miếu Vĩnh Long và cũng là biểu tượng về giáo dục, đào tạo nhân tài chung của cả Nam Bộ. Đây cũng là văn miếu duy nhất được gìn giữ và tồn tại gần như nguyên trạng cho đến ngày nay. Đó là niềm tự hào của vùng đất học Vĩnh Long, càng tự hào hơn khi Lễ hội Văn Thánh miếu tỉnh Vĩnh Long được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

 

Trải qua bao thời gian biến cố lịch sử, công trình đã trải qua trùng tu, tôn tạo nhiều lần nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc nguyên bản. Hàng năm tại điện Đại Thành trong Văn Thánh miếu có các lễ cúng Xuân Đinh và Thu Đinh, tại Tụy Văn Lâu có lễ vía cụ Phan Thanh Giản vào các ngày mùng 4 và mùng 5/7 âl, lễ cúng vọng các trung thần liệt tử vào các ngày 12 và 13/10 âl. Vào dịp diễn ra lễ hội, Văn Thánh miếu đón đông đảo du khách thập phương về tham dự.

 

Với “Nghệ thuật hát bội tỉnh Vĩnh Long” đã được lưu truyền gìn giữ và phát huy một cách đa dạng và sáng tạo. Vĩnh Long cũng là địa phương đã đưa hát bội đi lưu diễn ở Mỹ cho kiều bào và du học sinh, sinh viên xem, tạo nên những hiệu ứng tích cực.

 

Những năm gần đây, hát bội được đưa vào các chương trình tour du lịch thông qua chương trình đốt đuốc đi xem hát bội ở đình làng Vĩnh Long, trở thành một trong những chương trình tour được yêu thích của ĐBSCL. Vĩnh Long đã mở nhiều lớp truyền dạy nghệ thuật hát bội nhằm góp phần bảo tồn, phát huy nghệ thuật loại hình nghệ thuật tuồng cổ này.

 

Vĩnh Long có nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân và nhiều gia tộc gắn bó với hát bội qua nhiều năm, nhiều thế hệ, góp phần gìn giữ và lưu truyền nghệ thuật hát bội trải qua hàng trăm năm nay, nổi tiếng khắp Nam Bộ như các gánh hát bội: Tân Phước Lập, Đồng Thinh, Bầu Luông, Bầu Xẫm, Bầu Mầu, Bầu Võ, Bầu Đầy…

“Nghệ thuật hát bội tỉnh Vĩnh Long” được bảo tồn và phát huy, truyền bá bằng nhiều hình thức đa dạng, sáng tạo.

Nhiều người đã được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong nghệ thuật hát bội như: Huỳnh Văn Răng (bầu Răng), Nguyễn Văn Tốt (nghệ sĩ Vũ Linh Tâm), Huỳnh Thị Yến Linh (nghệ sĩ Yến Linh)…

 

Những di sản văn hóa phi vật thể quốc gia càng làm đầy thêm truyền thống vùng đất văn hóa, hiếu học, càng tôn thêm niềm tự hào cho những thế hệ tiếp nối mai sau cùng bảo tồn, phát huy những giá trị tinh thần vô giá của cha ông để lại.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

Sưu Tầm: https://baovinhlong.com.vn/phong-su-ky-su/202403/tu-hao-vung-dat-di-san-vinh-long-3180959/index.htm

 

 

Ẩm thực

Địa điểm