Kỷ niệm 98 năm ngày sinh Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt (23/11/1922- 23/11/2020): Thủ tướng Võ Văn Kiệt với quê hương Vĩnh Long

11/06/2024

Vùng đất Vĩnh Long ghi dấu nhiều chiến công hiển hách của các bậc tiền nhân trong tiến trình mở cõi đất phương Nam và chống giặc ngoại xâm giành lại độc lập tự do cho dân tộc. Vừa anh hùng, nhưng Vĩnh Long còn được mệnh danh là vùng đất địa linh nhân kiệt. Chính nơi đây đã sản sinh ra bao người con ưu tú làm rạng danh quê hương đất nước, trong đó có Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt- người được nhân dân gọi với nhiều tên thân thương, đi vào ký ức: “chú Sáu Dân”, “chú Tám Kiệt”, “chú Chín Hòa”.

Hết lòng vì nước, vì dân

Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, tấm gương mẫu mực, sáng ngời cho thế hệ trẻ học tập, noi theo

Hàng năm, cứ vào tháng 11 lòng người cả nước lại háo hức hướng đến kỷ niệm ngày Nam kỳ khởi nghĩa và ngày sinh Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt. Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt tên thật là Phan Văn Hòa, sinh ngày 23/11/1922 tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Tháng 11/1939, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, làm Bí thư chi bộ, Huyện ủy viên và tham gia cuộc khởi nghĩa Nam kỳ ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.

Trong khởi nghĩa Nam kỳ ở Vũng Liêm, đồng chí Võ Văn Kiệt cùng với đồng chí Hồ Chí Thiện (Năm Tép) chỉ huy mũi khởi nghĩa thứ 3 đánh chiếm bến phà Nước Xoáy, ngăn địch từ Vĩnh Long xuống cứu viện, diệt được 5 tên địch, thu 3 súng, đục thủng 2 phà, cắt dây thép. Sau khởi nghĩa Nam kỳ đến năm 1945, đồng chí Võ Văn Kiệt (lúc này có biệt danh là Tám Kiệt) hoạt động cách mạng, tham gia Tỉnh ủy lâm thời và khởi nghĩa cướp chính quyền ở Rạch Giá. Tại đây, đồng chí Tám Kiệt cùng với lãnh đạo Tỉnh ủy Rạch Giá xây dựng lực lượng kháng chiến, biến U Minh Thượng thành căn cứ địa vững chắc, huy động hàng chục vạn lượt người đào kinh, đắp cống ngăn giao thông địch, góp phần giải phóng Rạch Giá, hầu hết các huyện Phước Long, An Biên và một phần Long Mỹ, Gò Quao, Giồng Riềng nối liền vùng giải phóng Cà Mau, Giá Rai thành vùng giải phóng rộng lớn ở Tây Nam bộ. Sau đó, đồng chí Võ Văn Kiệt được phân công Phó Bí thư rồi Bí thư tỉnh Bạc Liêu.

Trong kháng chiến chống Mỹ, đồng chí Võ Văn Kiệt đảm nhận nhiều vị trí quan trọng: Ủy viên Xứ ủy Nam bộ, Phó Bí thư liên tỉnh Hậu Giang; Bí thư Khu ủy T4 (Sài Gòn- Gia Định); Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Ủy viên Trung ương Cục miền Nam; Bí thư Khu ủy Khu 9 (Khu Tây Nam bộ); Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III. Từ 1973- 1975, đồng chí Võ Văn Kiệt là Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục Miền Nam. Tại kỳ họp thứ I, Quốc hội khóa IX (1992- 1997), đồng chí Võ Văn Kiệt được bầu làm Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh. Từ 12/1997- 4/2001, đồng chí Võ Văn Kiệt được cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và là đại biểu Quốc hội các khóa: VI, VIII, IX.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Võ Văn Kiệt luôn đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu, không tiếc máu xương cùng với đồng chí, đồng đội kháng Pháp, Mỹ quyết giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Sau ngày đất nước toàn thắng, trên nhiều cương vị khác nhau, đặc biệt với vai trò là người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Võ Văn Kiệt có những quyết sách đúng đắn, sáng tạo trong những năm tháng đất nước bắt đầu công cuộc đổi mới đã mang lại lợi ích cho quốc gia dân tộc, được bạn bè thế giới biết đến. Đó là việc xóa bỏ hệ thống chỉ tiêu pháp lệnh, trao quyền tự chủ kinh doanh cho xí nghiệp quốc doanh, thực hiện “tư liệu hóa sản xuất”, cho phép hàng loạt doanh nghiệp địa phương và xí nghiệp quốc doanh lớn trực tiếp xuất nhập khẩu, tự do hóa giá cả, xóa bỏ bao cấp lương thực, thực phẩm, xóa bỏ chế độ thu mua theo nghĩa vụ áp đặt thay bằng mua bán theo hợp đồng đi đôi bãi bỏ chế độ “ngăn sông, cấm chợ”, thực hiện tự do lưu thông hàng hóa nông sản trong cả nước…Bên cạnh đó, còn có những công trình mang đậm “dấu ấn Võ Văn Kiệt” khác như: Chương trình khai thác Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, dự án thoát lũ đồng bằng Sông Cửu Long, kéo đường dây tải điện 500 KV Bắc – Nam, xây dựng nhà máy thủy điện Trị An, nhà máy lọc dầu Dung Quất, đường Bắc Thăng Long - Nội Bài, mở rộng cửa ngõ thủ đô Hà Nội, cầu Mỹ Thuận…

…Và dành nhiều tình cảm, tâm huyết cho quê hương Vĩnh Long

Các em học sinh về nguồn, tham quan, tìm hiểu cuộc đời, thân thế sự nghiệp Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại khu lưu niệm của ông, thuộc huyện Vũng Liêm

Trong buổi nói chuyện chuyên đề kỷ niệm 80 năm ngày Nam kỳ khởi nghĩa và 98 năm ngày sinh Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt tại huyện Vũng Liêm vào ngày 21/11/2020, đồng chí Nguyễn Văn Săn, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long cho biết: “Những năm đang công tác, mặc dù bận trăm công nghìn việc, nhưng chú Chín (tức Thủ tướng Võ Văn Kiệt) vẫn luôn dành tình cảm sâu nặng và tâm huyết cho quê hương, xứ sở. Đặc biệt, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ VI, nhiệm kỳ 1996- 2000, do bận nhiều công việc, chú không về dự được, nhưng đã viết thư gửi Đại hội, ân cần động viên và mong mỏi: “…Tôi rất mong có nhiều đồng chí cán bộ trẻ được bầu vào cấp ủy trong Đại hội Đảng bộ tỉnh kỳ này, mong các đồng chí sẽ xứng đáng với sự tin cậy của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh. Tôi khẩn thiết mong các đồng chí lão thành và các đồng chí thế hệ đàn anh có sự nhất trí cao về lòng tin vào lớp trẻ, cổ vũ lớp trẻ đem hết nhiệt tình cách mạng, sự năng động và khả năng sáng tạo của mình tận tụy phục vụ những trọng trách đảm nhiệm sự phát triển toàn diện của tỉnh nhà””.

Đến khi nghỉ hưu, tuổi cao sức yếu, nhưng Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng thường xuyên về thăm quê hương, đồng đội cũ, dành nhiều thời gian trao đổi, làm việc với lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long; đồng thời có nhiều sáng kiến, đề xuất, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Vĩnh Long. “Trong đó, nổi bật là các vấn đề lớn của tỉnh: Xây dựng các khu công nghiệp, quy hoạch phát triển thị xã Vĩnh Long lên thành phố loại III, quy hoạch phát triển thị xã Bình Minh…được chú Chín nghiên cữu rất kỹ và đóng góp rất nhiều ý kiến xác đáng. Những việc cụ thể, xác thực như: xây dựng Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, xây tuyến dân cư vùng ngập lũ, chăm lo đời sống đồng bào Khmer, tháo gỡ khó khăn mặt bằng sản xuất và vốn vay cho các hộ sản xuất, kinh doanh…đều được chú quan tâm góp ý. Đặc biệt, với tư duy năng động, nhạy bén và tầm nhìn chiến lược, chú Chín đã gợi ý cho lãnh đạo tỉnh nhà trong việc chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nói chung và cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp nói riêng; phát triển đàn bò thịt, sữa, trồng nấm rơm, quảng bá trái cây đặc sản của tỉnh…rất được nông dân đồng tình hưởng ứng và bước đầu đem lại những kết quả khả quan. Có thể nói, trong mỗi bước đi của tỉnh nhà, chú Chín đều quan tâm, động viên, nhắc nhở. Chúng ta rất tự hào và trân trọng tâm nguyện của chú là dành hết sức lực còn lại cho tỉnh nhà”- đồng chí Nguyễn Văn Săn, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long thông tin thêm.

Những tình cảm, sự quan tâm, ý kiến đóng góp của Thủ tướng Võ Văn Kiệt được các cấp lãnh đạo tỉnh tiếp thu, thực hiện có hiệu quả. Đến nay, tỉnh có thị xã Bình Minh được công nhận nông thôn mới cấp huyện đầu tiên của tỉnh và đạt đô thị loại III; TP.Vĩnh Long cũng được công nhận là đô thị loại II. Quê hương Trung Hiệp của Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt “thay da, đổi thịt” từng ngày và được công nhận xã nông thôn mới vào năm 2017 và đang tích cực thực hiện các tiêu chí để đạt xã nông thôn mới nâng cao.

Tham quan, thắp hương tưởng niệm tượng đài Lê Cẩn- Nguyễn Giao, bia Nam kỳ khởi nghĩa, di tích Hồ Vũng Linh, khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt, xem triển lãm hình ảnh, nghe nói chuyện chuyên đề về kỷ niệm 80 năm ngày Nam kỳ khởi nghĩa và 98 năm ngày sinh Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, em Phạm Ngọc Vy, lớp 10A1 trường THCS- THPT Phan Văn Đáng, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long bày tỏ: “Hôm nay được xem triển lãm chuyên đề về cuộc đời và sự nghiệp Thủ tướng Võ Văn Kiệt, em cảm thấy rất tự hào. Với cương vị là người con của đất Vĩnh Long, cũng như Vũng Liêm, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã làm rất nhiều việc cho đất nước. Bản thân em cũng là người con của Vĩnh Long, em xin hứa sẽ học thật giỏi, không phụ lòng những người đi trước như cha ông ta đã gầy dựng đất nước. Bên cạnh đó, em sẽ tiếp tục con đường học vấn, cũng như tiếp nối con đường cách mạng của Đảng để đất nước ta trở nên giàu mạnh hơn”.

Còn em Hà Nhựt Huy, lớp 10A1 trường THCS- THPT Phan Văn Đáng nói: “ Con cảm thấy tự hào về bác Võ Văn Kiệt và tự hào mình là con của vùng đất huyện Vũng Liêm. Con sẽ tiếp tục noi gương những đức tính tốt và học thêm nhiều bài học về bác Võ Văn Kiệt, cũng như cuộc đời cách mạng của bác”.

Tự hào với vùng đất đã sinh ra những bậc hiền tài có công với nhân dân, Tổ quốc và để lại những dấu ấn đậm nét trong lịch sử dân tộc như: Đốc binh Lê Cẩn- Nguyễn Giao; Giáo sư, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Văn Thủ; Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt…ông Lê Anh Nghĩa, Phó Bí thư Huyện ủy Vũng Liêm nhấn mạnh: “Để phát huy truyền thống anh hùng, thời gian tới Đảng bộ, quân, dân Vũng Liêm tiếp tục đoàn kết, tập trung trí tuệ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; nêu cao ý thức tự lực, tự cường khai thác triệt để thời cơ, thế mạnh, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao đời sống nhân dân, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020- 2025. Xứng đáng là quê hương Nam kỳ khởi nghĩa và quê hương của Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt”.

BOX: Vĩnh Long có nhiều công trình mang tên Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt như: đường Võ Văn Kiệt (phường 2), trường THPT Võ Văn Kiệt (huyện Vũng Liêm)…Đặc biệt, khu lưu niệm Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt (thị trấn Vũng Liêm) được ví như “công trình của trái tim” để Đảng bộ Vĩnh Long mãi mãi ghi nhớ công lao người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long và giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Tin, ảnh: Minh Triết

Ẩm thực

Địa điểm