ĐỘC ĐÁO “TRỨNG ĐẤT” VĨNH LONG

20/06/2024

Không chỉ nổi tiếng là vùng miệt vườn sông nước với vườn cây trái quanh năm trĩu quả hay vùng đất thơ mộng nằm nép mình bên dòng Cổ Chiên mang một màu hoài cổ, mà Vĩnh Long còn nổi tiếng với  “quả trứng đất” hình thành nên một làng nghề nổi tiếng hàng trăm năm tuổi trên kênh Thầy Cai thuộc địa phận huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long.

Được tách ra từ nhánh chính của dòng Cửu Long. Hai nhánh sông Tiền và sông Hậu chạy dọc khắp miền Tây Nam Bộ, mang đến một khối lượng phù sa rất lớn cho vùng đồng bằng màu mỡ này. Khối phù sa này không chỉ là nguồn cung cấp dinh dưỡng quanh năm cho cây trồng nơi đây mà nó còn mang lại mỏ đất sét nguyên sinh dồi dào, mỏ đất sét này là nguyên liệu thiên nhiên vô cùng tuyệt vời để tạo ra các sản phẩm gạch gốm mỹ nghệ  được dùng trong xây dựng và trang trí.

Khi nhắc đến nghề làm gạch gốm thì Vĩnh Long là một trong số ít các vùng có số lượng hộ gia đình và số lượng sản phẩm sản xuất nhiều nhất tại đồng bằng sông Cửu Long, chính vì thế đã tạo nên làng nghề gạch gốm trải dài hơn 30km với tuổi đời hàng trăm năm. Nằm bên dòng sông Cổ Chiên thơ mộng làng nghề nơi đây mang một sắc đỏ rực vô cùng ấn tượng hòa quyện cùng với màu xanh của sông nước và mây trời tạo nên một bức tranh tuyệt mỹ giữa một vùng quê thanh bình nằm tách biệt với phố thị ồn ào.

Nếu có dịp đi dọc dòng Cổ Chiên du khách sẽ tận mắt chứng kiến các lò gạch ven bờ. Đặc biệt khi đến kênh Thầy Cai thuộc địa phận huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, du khách sẽ được chiêm ngưỡng hàng nghìn mái lò xa xa trong như những “quả trứng đất” nằm nhấp nhô dưới ánh bình minh  hay buổi hoàng hôn chiều tà làm cho bao nhiêu con tim du khách khẽ rung động lạc bước vào thế giới cổ tích với những tòa lâu đài hình quả trứng khổng lồ. Các “quả trứng đất” này được xây dựng bởi các viên gạch nung xếp chồng lên nhau thường có độ cao tầm 12m, đường kính tầm 6 – 8m, phía trên thu nhỏ và phình to dần xuống phía dưới, có thể nói nó trông như một quả trứng gà nằm sừng sững giữa một góc của miền sông nước Vĩnh Long.

Do địa hình Vĩnh Long có nhiều kênh, rạch nên đường thủy vẫn là tuyến đường giao thông chính, vì thế các lò gạch gốm đều nằm cạnh các con sông và các  con kênh vì điều này sẽ tiện lợi cho việc các thuyền ghe cập bến một phần để cung cấp nguyên liệu, một phần để tiện trao đổi buôn bán. Nguồn chất đốt chính cho các mái lò ở nơi đây chủ yếu là trấu, và trấu cũng được các chủ lò thu mua từ nhiều nơi khác. Theo người dân ở nơi đây cho biết, để có thể cho ra sản phẩm gạch nung đúng chuẩn, người ta cần đến 5 ngày để tải và dở gạch, 10 ngày để nung trong lò tiếp theo đó là 15 ngày để  gạch nguội đi, vì gạch vừa mới nung ra lò còn rất nóng. Quy trình nung gạch phải được kiểm tra rất kỹ lưỡng, lửa phải vừa đủ để đưa ra thành phẩm những viên gạch đỏ au đẹp mắt và chất lượng. Gạch được vận chuyển khắp mọi miền bằng đường thủy khi mà đường bộ vẫn chưa phát triển, hệ thống xe tải vận chuyển đi lại giữa các tỉnh thành vẫn còn hạn chế.

Từng có một thời kỳ hưng thịnh với sự đông đúc và tấp nập ghe tàu thường xuyên lui tới, nhưng hiện tại một số mái lò tại Vĩnh Long đã dừng hoạt động, tuy nhiên vẫn còn một số ít lò gạch vẫn còn hoạt động để giữ lửa cho cái nghề cha truyền con nối này, nên khi đến đây du khách vẫn có thể trải nghiệm và tìm hiểu các công đoạn làm ra sản phẩm mỹ nghệ từ gạch, gốm, sau đó ngắm nhìn các mái lò bị lãng quên sau hàng trăm năm tồn tại, từng mảng rêu phong bám trên các đỉnh lò mang lại một màu hoài niệm rất khó tả, làm cho du khách khi đến đây như đi vào một thế giới với những thành trì cổ kính mang hình dáng những quả trứng khá thú vị.

Hiện tại nắm bắt được những tiềm năng và lợi thế vốn có từ các “quả trứng đất”, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng đề án “Di sản đương đại Mang Thít” nhằm mục đích bảo tồn và phát triển các “quả trứng đất” trở thành điểm đến độc đáo và mới lạ cho du khách trong tương lai, gợi nhớ về một thời kỳ thịnh vượng của vùng đất gốm đỏ đã từng rất nhộn nhịp, đồng thời viết tiếp câu chuyện về cái nghề cha truyền con nối để không bị lãng quên và mai một trong thế hệ mai sau./.

                                                                                      Bài: Quỳnh Như, Ảnh: Trung Kiên

                                                                                  

         

Ẩm thực

Địa điểm