Chợ quê

26/06/2024

Ai trong chúng ta cũng đã từng ít nhất một lần được mẹ, được bà dẫn đi chợ, từ lúc là một đứa bé mong quà bánh, cho đến tận bây giờ, khi đã lớn lên nhưng cảm giác ngày nào bước chân vào chợ vẫn nôn nao và đầy hoài niệm. Thời gian thấm thoát trôi qua, từ những nhóm người tụ lại với nhau thành một nhóm nơi đầu làng bên lũy tre già, nay đã trở thành những khu chợ được quy hoạch, xây dựng kiên cố, được phân chia thành các khu vực bày bán nhằm đảm bảo an toàn và  thuận lợi cho người đi chợ, ấy vậy mà chợ quê vẫn là chợ quê, dẫu có “thay da đổi thịt” nhưng vẫn giữ trong mình cái mộc mạc và bình dị của phiên chợ xưa.

Chợ được họp từ lúc tinh mơ, khi gà vừa gáy sáng, hoạt động mua bán đã bắt đầu nhộn nhịp và tấp nập, mùi đồ ăn vừa nấu phảng phất làn khói nóng, những tiếng chào hàng, tiếng nói vội rồi chạy đi cho kịp chuyến hàng sáng, tiếng xe nổ máy rồi nhanh chóng rời đi với đầy ắp những món hàng được cột chặt ở phía sau, như chở đi bao nhọc nhằn, vất vả của cuộc sống mưu sinh để bắt đầu một ngày mới.

Gian hàng cá vừa trung bày

Gọi là hàng hóa nhưng “hàng hóa” ở phiên chợ quê hương chỉ đơn giản là những bó rau vườn, những con cá sông hay chỉ là quả trứng gà… những thứ có sẵn trong nhà hoặc đánh bắt mà có được đem ra bày bán, trao đổi. Gian hàng đôi khi cũng chỉ là những tấm đệm trãi thô sơ, những cái kệ được kê tạm bợ, hay chỉ là cái rổ lớn để chứa các loại rau quả, tôm cá.

Các gian hàng tạm bán rau quả

Chợ quê cũng là nơi “theo thời” nhất, bởi ngoài những mặt hàng thiết yếu thì hàng hóa được mua bán chủ yếu theo mùa, người bán đa phần là dân địa phương, những tiểu thương và hộ kinh doanh cũng có nhưng không nhiều, họ kéo nhau về một nơi để cùng nhau trao đổi mua bán, nên bao nhiêu đặc sản của vùng vào thời gian ấy cũng được đem đến đây, không khó để mua những tai nấm mối mới nhổ vào mùa mưa hay những con cá cá linh tươi vào mùa nước nổi…

Chợ quê – không chỉ là nơi giao thương buôn bán, đây cũng là nơi giao lưu thăm hỏi giữa mọi người với nhau, giữa những tiểu thương với bạn hàng, hay giữa những người đi chợ mà chợt nhận ra nhau “Chị Năm nay đi chợ hả, trời ơi lâu quá không gặp, khỏe không chị?” bằng sự thật thà, chất phát của người dân vùng sông nước. Dù cuộc sống có vất vả, khó khăn, nhưng đến đây mọi người luôn dành cho nhau cái tình, sự mộc mạc từ những lời hỏi han, những nụ cười chân thành, gần gũi, đến những lời mặc cả nghe cũng thật là dễ thương, không khí vui vẻ, “thuận mua, vừa bán” . “Mua bán” ở đây đôi khi chỉ là việc trao đổi với nhau, đôi ba bó rau muống đổi lấy một mớ tép rong, không biết người nào hời hơn nhưng họ vui vẻ cho đi mà không hề suy tính cho mình cái lợi, người Vĩnh Long bao năm nay vẫn vậy, chân thành giản dị trong lối sống, nhiệt tình, hiếu khách với cả người lạ dù mới chỉ mới gặp lần đầu. Tuy hiền lành là vậy nhưng đôi khi cũng không tránh khỏi việc tranh cãi, bất đồng, nhưng hễ đến lúc khó khăn, mọi người đều đồng lòng giúp đỡ nhau qua cơn hoạn nạn.

Những lúc vắng khách, mọi người cũng tranh thủ truyện trò, hỏi han nhau

Ngày nay, những phiên chợ quê ngày càng ít đi và dần bị thay thế bởi các siêu thị, trung tâm thương mại với đa dạng các mặt hàng hơn, người dân ở các khu vực thành thị cũng không còn thói quen thức sớm để đi chợ, thay vào đó là sự bộn bề, sự tiện nghi của cuộc sống làm cho họ dần quên đi cái bình dị của những phiên chợ xưa. Dù vậy trong đó ở miền quê của vùng đất Vĩnh, những phiên chợ vẫn được duy trì qua bao tháng ngày, như một nếp sinh hoạt đời thường, dẫu thời gian có trôi qua, cuộc sống có bận rộn và hiện đại hơn, người dân nơi đây vẫn giữ được nét văn hóa đi chợ quê vào mỗi sáng tinh mơ, người bán đon đả mời chào, người mua thì nhanh tay lựa, cái nét đẹp giản dị và gần gũi, bình yên làm sao.

Đâu đó trong góc chợ là những gian hàng cũ, thời gian trôi qua cũng ít nhiều để lại dấu ấn trên những cây trụ, giá đỡ thậm chí là hàng hóa, người bán đôi khi không còn vì lợi nhuận, mà vì cái thói quen bao năm đã khắc sâu vào trong nếp sống, vào trong cả tiềm thức.

Nếu có dịp ghé thăm Vĩnh Long, hãy một lần thức sớm, ngồi trên những chiếc tàu du lịch dọc theo con kênh ra ngoài chợ, hay đèo nhau trên chiếc xe máy dọc theo con đường làng, cảm nhận cái cảm giác lành lạnh của hơi sương sớm, không khí trong lành, thoang thoảng mùi của đất, một lần đi họp chợ quê, để những người con xa quê tìm về với ký ức, những người lữ khách được thả hồn vào không khí lạ lẫm nhưng bình yên này./.

Bài, ảnh: Thanh Thanh

 

Ẩm thực

Địa điểm