Vẻ đẹp mơ màng trên dòng Cổ Chiên

26/06/2024

Sau những trận mưa rào đầu tháng 9, bầu trời trở lại một màu xanh trong, tôi  cất bước dạo quanh dọc bờ kè sông Cổ Chiên để tận hưởng cái không khí trong lành sau những ngày mưa nặng hạt. Những tia sáng yếu ớt cuối ngày như báo hiệu rằng hoàng hôn đang dần buông xuống, những cơn gió từ sông thổi vào mát rượi làm đánh động tâm hồn của một kẻ lãng du. Tôi dừng chân và chọn một góc nhỏ từ quán cà phê  để lặng lẽ ngắm nhìn vẻ đẹp của dòng Cổ Chiên, dòng sông gắn liền với lịch sử và chứa đựng ký ức tuổi thơ của nhiều thế hệ.

Nếu dòng sông Hương ở Huế được ví với vẻ đẹp của tấm vải lụa đào thướt tha và đài cát thì dòng Cổ Chiên lại mang nét dịu dàng  và hiền hoà của cô gái miền thôn quê, chất phát. Tôi chăm chú nhìn từng đợt sóng êm ả, nhẹ nhàng lướt trên mặt sông trông như một vũ khúc mơ màng của nàng thơ miền sông nước miệt vườn,thật biết cách khiến cho lòng người trong phút chốc khẽ lay động, lưu luyến. Những trảng lục bình xuôi theo con nước hững hờ trôi một cách bình thản, làm cho bao nhiêu ưu phiền mệt mỏi sau một ngày dài vất vả làm việc cũng theo đó mà trôi đi.

Đi qua bao lần trên dòng Cổ Chiên nhưng chưa bao giờ tôi lại say mê nó đến vậy. Nhớ lại những ngày còn bé, lẽo đẽo theo ba trên chiếc xuồng ba lá bé xíu để chài lưới đánh cá, trong lòng vừa phấn khởi theo từng đợt cá tôm mà ba kéo lên lại vừa thích thú bởi những điệu hò ngọt ngào của các cô thôn nữ đang chèo xuồng ở xa xa làm khuấy động cái không gian tĩnh lặng, yên bình giữa lòng sông rộng lớn và bao la, tạo nên bức tranh thủy mặc sống động giữa một vùng quê đơn sơ đang dần phát triển. Bao nhiêu ký ức chợt ùa về làm cho tôi không khỏi bồi hồi xúc động và tiếc nuối về một tuổi thơ hồn nhiên gắn liền sông đầy kỷ niệm. Dòng Cổ Chiên khi xưa còn hoang sơ và mộc mạc, xung quanh hai bên bờ là những rặng bần già cheo leo, tuy nhiên theo dòng chảy phát triển không ngừng nghỉ của xã hội, hiện tại những rặng bần già ấy vẫn còn tồn tại như một chứng nhân cho từng thời kỳ lịch sử đã đi qua.

Ảnh: Chuyến phà ngang sông Cổ Chiên

Tên gọi của dòng Cổ Chiên bắt nguồn từ một sự kiện lịch sử được lưu truyền trong dân gian cho đến ngày nay. Vào năm 1785, quân lính của Nguyễn Ánh đã băng theo đường sông này để xuống phía Nam để tẩu thoát, tuy nhiên lại không may mắn bị quân lính Tây Sơn phục kích, tại đoạn sông này hai bên đánh nhau cuộc chiến diễn ra ác liệt khiến cho trống (có nghĩa là cổ) và chinh ( nói trại là chiên) của binh lính Nguyễn Ánh rơi xuống dòng sông, cũng từ đó mà cái tên gọi Cổ Chiên đã được ra đời. Đối với quê hương Vĩnh Long mà nói, dòng Cổ Chiên như một người mẹ hiền qua bao năm tháng luôn che chở, ôm ấp đứa con thân yêu của mình vào lòng,cứ mỗi năm đi qua dòng sông đều bồi đắp cho vùng quê này một lượng phù sa đáng kể cũng vì vậy mà cây trái nơi đây quanh năm xanh tốt say trĩu quả. Không những vậy, nhờ vào lượng cá tôm dồi dào từ những mùa nước lũ chảy về đã nuôi sống bao thế hệ người dân từ thuở hàn vi ban sơ cho đến khi cuộc sống đã ngày một phát triển.

Dòng chảy của thời gian trôi qua nhanh hơn một cái chớp mắt, ngày nào còn nhìn thấy những chiếc xe đạp cốc cạch chở những hàng rong rao bán vang động cả một quãng đường, ấy vậy mà hôm nay đường phố Vĩnh Long lại trở nên xa hoa với đủ loại phương tiện và quán xá. Nhưng dù xã hội có chạy nhanh như thế nào, thì ngoài kia sông Cổ Chiên vẫn chảy theo con nước lơn ròng, mang theo nổi niềm của một người mẹ âm thầm, lặng lẽ nhìn đứa con của mình đang dần khôn lớn và trưởng thành. Nếu có thời gian hãy ghé thăm dòng sông đầy hoài niệm này vào một buổi chiều tà, để có thể nhìn ngắm những ánh nắng vàng vào cuối ngày đang nhẹ nhàng khiêu vũ trên mặt sông tĩnh lặng tạo nên khung cảnh lãng mạn giữa lòng thành phố ồn ào và tấp nập. Xa xa đâu đó là hình ảnh của những chiếc xuồng đang thả lưới đánh cá để bắt đầu cho một ngày mưu sinh của ngư dân miền sông nước, phảng phất trong hơi thở của gió là mùi khói bếp nồng nàn phát ra từ những ngôi nhà nằm cặp bờ sông làm cho tâm hồn người thưởng thức xao xuyến nhớ về những ngày cùng gia đình quây quần trong gian bếp nhỏ bên hiên nhà. Dòng Cổ Chiên thật biết cách làm người ta lạc lối mãi đắm chìm theo từng con sóng ngoài khơi xa.

Ảnh: Đánh cá trên sông Cổ Chiên

Giờ đây dòng Cổ Chiên hiền hoà này không chỉ là nơi chứa đựng ký ức tuổi thơ của bao người mà nó còn tiềm tàng trong mình những thế mạnh để khai thác phát triển du lịch. Khi có dịp về với quê hương Vĩnh Long, du khách sẽ dễ dàng tìm thấy những Homestay mang dáng dấp của một vùng quê thu nhỏ nằm dọc theo hai bên bờ sông, mỗi Homestay đều mang những nét đặc trưng riêng, tuy nhiên lại có dòng Cổ Chiên làm điểm chung lý tưởng.

Đặt một vé trải nghiệm Homestay trên dòng Cổ Chiên, du khách có thể hoà mình vào cuộc sống của người nông dân Nam Bộ với các hoạt động gắn liền với vùng miệt vườn sông nước, còn gì thú vị bằng việc theo ngư dân lành nghề nơi đây chèo xuồng đánh cá, sau đó tự tay chế biến món ăn và thưởng thức bữa ngon dưới ánh hoàng hôn tuyệt. Không những vậy, du khách còn có thể thuê một chiếc tàu du lịch chạy dọc sông Cổ Chiên để ghé thăm những điểm vườn trái cây theo mùa, hay ghé thăm những làng nghề thủ công truyền thống hàng trăm năm tuổi, trong đó phải kể đến làng nghề gạch gốm Mang Thít nằm bên kênh Thầy Cai, đây là một nhánh sông nhỏ được tách ra từ sông Cổ Chiên. Làng nghề nơi đây có tuổi đời hơn trăm năm, là nơi lưu giữ những mái lò kể về một thời thịnh vượng vàng son của nghề làm gạch gốm. Những mái lò ngày đêm nhả khói nay chỉ còn tàng tích là những thành trì hình quả trứng úp ngược đóng rêu phong nằm lặng lẽ dọc hai bên kênh Thầy Cai, làm cho ai đến đây cũng có cảm giác lạc vào thế giới cổ tích tuyệt đẹp. Sẽ tuyệt vời hơn khi tàu bắt kịp buổi hoàng hôn trên sông Cổ Chiên, vừa nhâm nhi ngụm trà nóng thả hồn mình lênh đênh cùng những ngọn sóng trên sông vừa gửi gấm ước mơ của mình qua những ngọn đèn hoa đăng đã được các chủ tàu chu đáo chuẩn bị sẵn. Nói không ngoa thì đây có thể là chuyến đi đầy ý nghĩa cho du khách có dịp về thăm vùng sông nước Vĩnh Long và về chiêm ngưỡng vẻ đẹp mơ màng của dòng Cổ Chiên đầy thương nhớ.

Ảnh: trải nghiệm tham quan “Vương quốc gốm đỏ” và chèo xuống đánh cá trên sông Cổ Chiên

Một buổi chiều ngồi bên dòng Cổ Chiên khiến lòng tôi cũng đã trở nên nhẹ nhàng đi rất nhiều, hoàng hôn vụt tắt cũng là lúc bóng đêm bao trùm cả thành phố, những ánh đèn đường vàng rực hắt xuống dòng sông khiến cho nó trở nên kiều diễm hơn bao giờ hết, dòng sông này đối với tôi thật đẹp và lãng mạn. Hy vọng vẻ đẹp của dòng Cổ Chiên sẽ mang tình người VĩnhLong đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước. Nếu có dịp ghé qua Vĩnh Long hãy lưu trú một đêm để nghe dòng sông kể chuyện thay lời tâm tình đến với lữ khách phương xa. Hương vị của phù sa lắng động trong từng đợt sóng sẽ đưa du khách trở về miền ký ức xa xưa, đây sẽ là một chuyến đi đầy ý nghĩa nếu chúng ta có thể mở lòng để trãi nghiệm. Dòng Cổ Chiên luôn đón chào du khách như tấm chân tình của người dân Vĩnh Long chào đón người thân xa mới về./.

                                                                             Bài ảnh: Quỳnh Như

Ẩm thực

Địa điểm