TIỀM NĂNG DU LỊCH "SONG CẦU" MỸ THUẬN

26/06/2024

Toàn cảnh hai cầu Mỹ Thuận 1 và 2 nhìn từ trên cao.Ảnh sưu tầm internet

Một điều chắc chắn là cầu Mỹ Thuận 2 và tuyến cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ sẽ thông xe đưa vào khai thác trong những tháng đầu năm 2024.

Hai cây cầu dây văng Mỹ Thuận 1 và 2 cách nhau chưa đến 400m, bắc song song vượt sông Tiền như hai con rồng vươn mình nối đôi bờ sừng sững giữa trời xanh, in bóng dưới nước sông ban ngày, lung linh ánh sáng đèn về đêm trông đẹp vô cùng.

Trước ngữ cảnh hùng vĩ, hữu tình ấy, ngoài chiêm ngưỡng vẻ đẹp, trong tôi chợt xuất hiện suy nghĩ là làm thế nào khai thác lợi thế “song long” này phục vụ tham quan du lịch để khách thập phương trong ngoài nước cùng chiêm ngưỡng?

Hơn 23 năm trước, ngày thông xe cầu Mỹ Thuận 1 trở thành ngày hội của người dân các tỉnh ĐBSCL bởi trong ngày thông xe ước lượng có khoảng 1 triệu lượt người đến tham quan cầu. Ngày ấy, dưới sông thì đông nghịt ghe, tam bản, vỏ lãi; trên bờ thì QL1, QL80 tắc nghẽn hàng chục cây số bởi dòng người đi xem cầu.

Tôi còn nhớ rõ, sau đó suốt năm 2000, cầu Mỹ Thuận là điểm tham quan của người dân mọi miền đất nước. Nhiều dịch vụ du lịch trong đó có chụp ảnh lưu niệm “ăn nên, làm ra” từ cầu Mỹ Thuận 1.

Tới đây, khi cầu Mỹ Thuận 2 chính thức khánh thành sẽ không thu hút người tham quan như cầu Mỹ Thuận 1, bởi yếu tố đầu tiên cầu dây văng duy nhất không còn do nước ta đến nay đã có nhiều cầu dây văng.

Chỉ riêng ở ĐBSCL thì trên sông Tiền đã có cầu Rạch Miễu, cầu Cao Lãnh, còn trên sông Hậu có cầu Cần Thơ, cầu Vàm Cống. Tuy nhiên, khi cầu Mỹ Thuận 2 đưa vào hoạt động, theo tôi vẫn có yếu tố mới, đó là hai cầu dây văng lớn song song kề nhau chỉ vài trăm mét mà trên cả nước cho đến nay, kể cả trong tương lai gần sẽ không có.

Điểm độc đáo chính là chỗ đó. Yếu tố này chắc chắn sẽ là nguồn cảm hứng cho giới nghệ sĩ sáng tác thơ, nhạc, nhất là giới nhiếp ảnh sẽ cho ra đời những tác phẩm ảnh nghệ thuật đặc sắc!

Về góc độ kinh tế, theo tôi chúng ta có thể khai thác du lịch trên bờ, trên sông, lấy ý tưởng không gian hai chiếc cầu làm điểm nhấn chủ đạo. Tỉnh Vĩnh Long có lợi thế là “sở hữu” hai cây cầu bắc qua TP Vĩnh Long và chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 5km nên có đủ các dịch vụ phục vụ lưu trú.

Chúng ta có sẵn các cơ sở dịch vụ du lịch vườn cây ăn trái trên địa bàn 4 xã cù lao, có nhiều di tích lịch sử văn hóa, có làng nghề gốm truyền thống đang xúc tiến đề nghị là di sản đương đại chỉ cách trong bán kính 20km,...

Tại đầu hai cây cầu phía Vĩnh Long, thiết nghĩ nên quy hoạch bằng phương thức “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” để tạo ra nhiều điểm dừng chân ngắm cầu, chụp ảnh lưu niệm kết nối giữa trên bộ và dưới sông.

Các điểm dừng chân có thể bắt đầu từ bến phà Mỹ Thuận cũ theo bờ sông, trong đó khai thác tối đa bờ kè từ chân cầu Mỹ Thuận xuôi về hạ lưu hướng trung tâm TP Vĩnh Long. Nhất là đoạn gần chân cầu, bởi từ các vị trí này sẽ nhìn thấy rất rõ hai cây cầu Mỹ Thuận và là hậu cảnh đẹp cho những tấm hình lưu niệm hay quay phim mà Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) từng khai thác tổ chức sự kiện Cầu Truyền hình đặc biệt Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng.

Tỉnh Vĩnh Long không có biển, đảo, cũng không có rừng, có núi đồi mà chỉ có ruộng, vườn, sông nước. Do vậy, khai thác sông nước, vườn cây… nhiều năm qua chúng ta cố gắng làm và đã làm khá tốt.

Nay Đảng, Nhà nước cho ta hai chiếc “cầu thế kỷ” tạo nên cảnh quan độc đáo, chúng ta nên biến thành “kỳ quan” phục vụ lợi ích Nhân dân cũng là một hướng phát triển kinh tế xanh bền vững vậy.

HOÀNG KHẢI 

Sưu Tầm Báo Vĩnh Long: https://baovinhlong.vn/ban-doc/dien-dan/202311/tiem-nang-du-lich-song-cau-my-thuan-3177970/index.html

 

Ẩm thực

Địa điểm