Nâng chất sản phẩm du lịch đặc thù

31/07/2024

(VLO) Sở Văn hóa-TT-DL đang tiếp tục tập trung xây dựng hoàn thiện các sản phẩm du lịch (DL) đặc thù của tỉnh nhằm từng bước hoàn thiện, đưa vào xây dựng tour, tuyến liên kết. Xác định 4 sản phẩm DL đặc thù, trong đó, quan tâm hoàn thiện sản phẩm DL homestay, tạo thương hiệu DL mạnh của tỉnh; đưa vào quảng bá, khai thác một số điểm DL làng nghề, DL nông nghiệp và DL văn hóa.

Vĩnh Long tập trung xây dựng hoàn thiện các sản phẩm du lịch đặc thù nhằm từng bước đưa vào xây dựng tour, tuyến liên kết. Trong ảnh: Khách du lịch trên sông nước cù lao Minh. Ảnh: HOÀNG KHA (TP Vĩnh Long)

Homestay là sản phẩm chủ lực của tỉnh, thời gian qua, Sở Văn hóa-TT-DL đã phối hợp các ngành và địa phương tích cực vận động các cơ sở homestay toàn tỉnh giữ vững chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa dịch vụ, tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm tại homestay thu hút du khách (nấu ăn, làm bánh, đạp xe khám phá nét đẹp làng quê, thưởng thức đờn ca tài tử, đốt đuốc đi xem hát bội,…).

Vừa qua có 2 điểm DL đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc nhóm dịch vụ DL cộng đồng, DL sinh thái và điểm DL, đó là: Điểm DL Nhà dừa CocoHome, huyện Long Hồ; Điểm DL Somo Farm, huyện Mang Thít.

Ngoài ra, sản phẩm này dần dần lan tỏa đến các địa phương khác trong tỉnh như: TX Bình Minh, huyện Vũng Liêm, huyện Trà Ôn và gần đây là huyện Tam Bình và huyện Mang Thít, từng bước gia tăng trải nghiệm cho du khách tại các vùng quê trong tỉnh.

Đây là sản phẩm thế mạnh truyền thống có dòng đời sản phẩm khá dài hơn 3 thập niên qua, nên rất cần đa dạng, nâng cấp và không ngừng làm mới sản phẩm.

Nếu như Homestay Út Trinh sáng tạo đưa vào chương trình lưu trú của khách nhiều hoạt động trải nghiệm ẩm thực, giao lưu văn hóa; thì Nhà dừa CocoHome đã và đang mạnh dạn đầu tư nhiều khu vườn mới lạ, nhiều loại trái cây tạo cảnh quan hấp dẫn, độc đáo thu hút sự yêu thích chụp ảnh cho khách tham quan.

Không dừng lại ở “mô hình” chỉ đơn thuần xem ngắm và chụp ảnh; một doanh nghiệp ở Vĩnh Long đã đưa vào chương trình tour cho khách những trải nghiệm thực tế ở nông thôn.

Đây chính là hướng đi đúng đắn, mang lại “giá trị thực” cho du khách cùng trực tiếp trồng trọt với nông dân ở ấp Phước Hanh A, xã Phước Hậu (huyện Long Hồ).

Trải nghiệm của các đoàn khách nước ngoài cùng nông dân cuốc đất trồng hẹ ở xã Phước Hậu (huyện Long Hồ).

Ngay trên ruộng rẫy, du khách được nông dân hướng dẫn, giải thích cách thức trồng lúa, trồng hẹ truyền thống của người dân miền Tây ngày xưa, cùng với những ứng dụng tiến bộ khoa học ngày nay vào trồng trọt.

Trực tiếp lội sình, nhổ mạ cấy lúa hay cuốc đất lên liếp trồng hẹ… sẽ trở thành những trải nghiệm khó quên, những kỷ niệm nhớ mãi về một tour nông nghiệp cho những đoàn du khách quốc tế có những ngày thú vị ở Vĩnh Long.

Hình thức tour trải nghiệm thực tế này rất cần được sự quan tâm, hỗ trợ về nhiều mặt chuyên môn, kỹ năng tiếp khách, cũng như hỗ trợ kinh phí về đầu tư kết cấu hạ tầng, cảnh quan vệ sinh môi trường… đối với hộ nông dân ở xã Phước Hậu (huyện Long Hồ).

Đó là một hướng đi không mới nhưng nhiều năm qua chưa được các doanh nghiệp đầu tư làm tới nơi, tới chốn. Nhất là sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn đối với hộ nông dân để xây dựng tour trải nghiệm nông nghiệp.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước rất cần thiết khảo sát, đánh giá thực trạng và có sự tư vấn để điều chỉnh lại những tour “vào vườn hái trái cây”.

Từ một chương trình tour mang sức hấp dẫn, bản sắc của miệt vườn, giờ đây đã có dấu hiệu “lão hóa sản phẩm” cũng như có nhiều phát sinh về “giá vé vào vườn”, về thực trạng cây trái nhiều lúc chưa đúng như quảng cáo của các… lái tàu.

Điều này sẽ làm ảnh hưởng chung đến thương hiệu DL Vĩnh Long, ảnh hưởng đến “tiếng thơm” con người miệt vườn chân chất, hiền hòa, hiếu khách.

Cùng với đó, cần làm mới sản phẩm homestay thông qua việc kết hợp cùng tour nông nghiệp, đưa du khách “3 cùng” với nông dân: cùng ăn, cùng ở, cùng làm, chắc chắn sẽ hấp dẫn hơn khi đưa du khách tiếp cận sâu hơn với văn hóa bản địa.

Gợi ý với các doanh nghiệp, các nhà quản lý nên khảo sát, đánh giá một điểm gắn kết trong tour DL nông nghiệp trong nhiều năm qua đã làm một cách lặng lẽ của một hộ nông dân ở ấp Phước Hanh A, xã Phước Hậu (huyện Long Hồ).

Điều quan trọng không kém so với việc xây dựng sản phẩm DL, nó quyết định sự thành công hay thất bại của một tour DL đó chính là kiến thức nền của đội ngũ hướng dẫn viên DL.

Doanh nghiệp chưa nghĩ tới và chưa khai thác đội ngũ hướng dẫn viên cơ hữu, để phát huy tối đa sự thành công, cũng như nâng tầm, tạo sức hấp dẫn của một tour DL.

Đó là những người làm việc ở các lĩnh vực khác, họ có am hiểu sâu rộng về từng lĩnh vực như: nông nghiệp, lịch sử vùng đất, kiến thức rộng về văn hóa,… họ có thể phụ trách những tour chuyên đề có yêu cầu cao đối với du khách trong và cả ngoài nước.

Để cấp thẻ hướng dẫn viên DL không khó với thời hạn vài tháng, nhưng để có một hướng dẫn viên có kiến thức nền vững chắc, sâu rộng thì thật hiếm hoi.

Đã có không ít trường hợp hướng dẫn viên DL thuyết minh với khách nước ngoài những kiến thức rất sai lệch về văn hóa, lịch sử, vùng đất con người Việt Nam.

Một số công ty DL lớn của Nhật thường có những đoàn khách cao cấp yêu cầu theo chuyên đề: nhiếp ảnh, hội họa, báo chí, văn hóa, chùa chiền, nông nghiệp, lâm nghiệp… thường giám đốc hoặc lãnh đạo công ty sẽ trực tiếp bay sang Việt Nam phỏng vấn trực tiếp hướng dẫn viên DL chỉ riêng cho đoàn khách đó, nhằm bảo đảm trình độ ngoại ngữ, kiến thức riêng theo yêu cầu của đoàn. Đương nhiên, chi phí cho mỗi khách là rất cao.

Đây là những đòi hỏi khó nhưng không phải là không có cách làm. Vấn đề là cần những con người tâm huyết, những doanh nghiệp chấp nhận “đeo đuổi” những mục tiêu cao hơn, cao hơn nữa để nâng tầm sản phẩm DL địa phương.

Đặc biệt, tiến tới nâng tầm để các doanh nghiệp địa phương đủ uy tín ký kết trực tiếp với công ty nước ngoài, lúc đó chất lượng dịch vụ tour sẽ tốt hơn rất nhiều vì giá tour cao không phải qua nhiều tầng nấc trung gian.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

Sưu tầm: https://baovinhlong.vn/xa-hoi/du-lich/202407/nang-chat-san-pham-du-lich-dac-thu-3185121/index.htm

 

Ẩm thực

Địa điểm