Khu lưu niệm Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa - công trình văn hóa giáo dục truyền thống cách mạng, niềm tự hào của người dân Vĩnh Long

29/08/2024

 

        Vĩnh Long, được mệnh danh là vùng đất “Địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống cách mạng, anh dũng trong chiến đấu, cần cù trong lao động, sáng tạo trong sản xuất, người dân đất Vĩnh rất tự hào vì đây là nơi sản sinh ra nhiều người con ưu tú cho đất nước, đóng góp nhiều công sức, trí tuệ trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, cũng như trong xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, trong đó, có Giáo sư, Viện sỹ (GS,VS) Trần Đại Nghĩa.

            Thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, đồng thời giáo dục thế hệ trẻ, ngày 18/5/2015 tỉnh Vĩnh Long khánh thành đưa vào sử dụng Khu lưu niệm GS,VS Trần Đại Nghĩa, tại xã Tường Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Từ khi khánh thành đưa vào sử dụng đến nay, Khu lưu niệm GS,VS Trần Đại Nghĩa đã nhiều lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm.

            GS,VS Trần Đại Nghĩa tên khai sinh là Phạm Quang Lễ, sinh ngày 13/9/1913, tại làng Chánh Hiệp, quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Cha là thầy giáo, qua đời khi cậu bé tròn 7 tuổi. Mẹ là một phụ nữ hiền đức, “luôn giúp đỡ những người khó khăn, cho tiền những trẻ mồ côi, những người tàn tật”. Gia cảnh rất nghèo túng, sau khi cha mất, Phạm Quang lễ phải sớm xa nhà, tu chí học tập với một quyết tâm cao độ để khỏi phụ lòng kỳ vọng của cha, sự vất vả, tảo tần của mẹ và chị gái; và cao hơn nữa, để phụng sự Tổ quốc.

            Ngày 05/9/1935, tại Bến cảng Nhà Rồng, Phạm Quang Lễ từ biệt mẹ và chị gái xuống tàu sang Pháp du học. Năm 1946, kỹ sư Phạm Quang Lễ làm việc cho Hãng chế tạo máy bay ở Pháp, ông được giao nhiệm vụ kỹ sư trưởng, với mức lương hàng tháng 5.500 Frăng (Pháp) tương đương 22 lượng vàng lúc đó, nhưng ông sẵn sàng từ bỏ cuộc sống riêng tư, xin theo Bác Hồ về nước tham gia kháng chiến, phục vụ sự nghiệp cách mạng.

            Trong quá trình hoạt động cách mạng, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, bằng những kiến thức về kỹ thuật quân sự mà ông âm thầm theo đuổi 11 năm tại Pháp, ông cùng các cộng sự sáng chế nhiều loại vũ khí hiện đại như: súng không giật, đạn chống tăng AT, súng và đạn Bazooka… đã góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, chiến đấu với các loại vũ khí hiện đại, tối tân của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

            Trong hồi ký của mình, GS,VS Trần Đại Nghĩa viết: đúng 7 giờ sáng ngày 05/12/1946, tôi tên là Phạm Quang Lễ đang ở Thái Nguyên lo sản xuất vũ khí thì được điện về Hà Nội gấp để gặp Bác Hồ, được gặp Bác ở Bắc Bộ Phủ, Bác nói: “Bác quyết định trao cho chú nhiệm vụ Cục trưởng Cục Quân Giới, chú lo vũ khí cho bộ đội. Đây là việc đại nghĩa, vì thế Bác đặt cho chú tên là Trần Đại Nghĩa. Đây là bí danh từ nay trở đi của chú, để giữ bí mật cũng là giữ an toàn cho bà con thân thuộc của chú ở miền Nam” (Trần Đại Nghĩa là tên từ đó). Ngoài ra, ông còn được Đảng và nhà nước ta giao nhiều trọng trách quan trọng về khoa học, kỹ thuật và quân sự như: Cục trưởng Cục pháo binh; Phó Chủ nhiệm tổng Cục hậu cần; Thứ trưởng Bộ Công Thương, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật nhà nước; Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam… GS,VS Trần Đại Nghĩa được phong Viện sỹ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô; được phong quân hàm Thiếu tướng đầu tiên của quân đội Việt Nam, là một trong những người đầu tiên ở nước ta được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động.

Như lời đồng chí Lê Hồng Anh - nguyên Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng khẳng định tại buổi lễ khánh thành khu lưu niệm: cả cuộc đời GS,VS Trần Đại Nghĩa luôn gắn bó với cách mạng và nhân dân ta, đồng chí đã dành cả cuộc đời để làm việc vì nghĩa lớn. Ông là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; người đã đặt nền móng vững chắc cho khoa học Việt Nam hình thành và phát triển. Đồng chí đã nêu tấm gương sáng về nghị lực, nhân cách, sự công hiến hết mình trong chiến đấu, lao động, học tập và nghiên cứu khoa học…

Khu lưu niệm GS,VS Trần Đại Nghĩa là công trình văn hóa có quy mô lớn, ý nghĩa nhân văn sâu sắc, vừa thể hiện sự tưởng nhớ, tự hào, sự tôn vinh, tri ân của Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng đối với công lao, sự cống hiến của GS,VS Trần Đại Nghĩa trong đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.

Lãnh đạo tỉnh và nguyên lãnh đạo tỉnh dâng hương GS,VS Trần Đại Nghĩa

 

Khu lưu niệm được khởi công xây dựng ngày 24/11/2013, tại ấp Mỹ Phú 1, xã Tường Lộc, huyện Tam Bình. Với thiết kế theo lối không gian mở, thoáng mát, nhẹ nhàng, gần gũi, nhưng vẫn đảm bảo tính tôn nghiêm, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc. Tổng diện tích khu lưu niệm hơn 16.000m², mức đầu tư gần 51 tỷ đồng công trình gồm các hạng mục như: Nhà tưởng niệm, nhà trưng bày, thư viện, phòng hội thảo, chiếu phim, phòng sinh hoạt truyền thống, quảng trường, các hạng mục phụ trợ và cảnh quan, góp phần vào việc giữ gìn, tôn vinh đậm nét thân thế, công lao, sự nghiệp của GS,VS Trần Đại Nghĩa cũng như giáo dục truyền thống, khơi dậy niềm tự hào đối với đông đảo các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, là Trung tâm Tích hợp dữ liệu về Khoa học Công nghệ là một công trình hiện đại, mới lạ, được Bộ Khoa học và Công nghệ đầu tư xây dựng đầu tiên nằm trong khuôn viên khu lưu niệm, với tổng giá trị 2,6 tỷ đồng, gồm: cổng thông tin điện tử giới thiệu Khu lưu niệm và tích hợp thư viện điện tử giới thiệu thân thế, sự nghiệp và các công trình nghiên cứu của GS.VS Trần Đại Nghĩa, là nơi lưu giữ và quảng bá thông tin khoa học công nghệ, phục vụ khai thác sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn mới vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời phục vụ rộng rãi khách tham quan, nghiên cứu, tiếp cận thông tin khoa học công nghệ trong nước và quốc tế.

 

            Đến với khu lưu niệm, trong mỗi chúng ta, từ cụ già đến các em thiếu nhi, từ người dân bình thường đến cán bộ, công chức nhà nước, tuy mỗi người một tâm trạng khác nhau nhưng đều cảm thấy thanh thản, bình yên, nhẹ nhàng, bởi không gian gần gũi của khu lưu niệm. Nơi đây, không chỉ là điểm đến sinh hoạt văn hóa, vui chơi, giải trí, tham quan công trình kiến trúc thiết kế hiện đại của du khách trong và ngoài nước, mà còn là nơi giáo dục nhiều đức tính cao cả của GS,VS Trần Đại Nghĩa, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú quê hương Vĩnh Long cho thế hệ trẻ.

            Chia sẻ khi đến tham quan khu lưu niệm, em Trần Ngọc Thảo, học sinh trường THPT Trần Đại Nghĩa, huyện Tam Bình cho biết: em rất tự hào và ngưỡng mộ khi quê hương Tam Bình có được người con ưu tú như GS,VS Trần Đại Nghĩa, nhìn những kỷ vật về cuộc đời và thân thế sự nghiệp của cố GS,VS để lại, em rất xúc động và nể phục với những tinh thần vượt khó hiếu học và học rất giỏi, ý chí nung đúc cách mạng mãnh liệt của ông khi tìm tòi nghiên cứu để chế tạo vũ khí trong điều kiện hết sức khó khăn trên chính đất nước đàn áp, thống trị ở quê nhà mình, để mong mỏi sau ngày trở về trang bị đầy đủ kiến thức về khoa học kỹ thuật và quân sự phục vụ cho Tổ quốc.

            Ngoài Khu lưu niệm GS,VS Trần Đại Nghĩa tại huyện Tam Bình, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long còn xây dựng nhiều công trình, dự án mang tên Trần Đại Nghĩa, nhằm tưởng nhớ, góp phần giáo dục thế hệ trẻ như: đường Trần Đại Nghĩa, trường Tiểu học, THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, thành phố Vĩnh Long; THPT Trần Đại Nghĩa, huyện Tam Bình; quỹ học bỗng Trần Đại Nghĩa đài Phát thanh Truyền hình Vĩnh Long,…

            Được biết, hiện nay Khu lưu niệm GS,VS Trần Đại Nghĩa được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Longg công nhận là điểm du lịch tiêu biểu của vùng, là điểm đến lý tưởng cho du khách khi đến Vĩnh Long./.

Bài, ảnh: Hữu Thoại

 

Ẩm thực

Địa điểm