Xuân về trên những làng nghề

17/01/2025

 

Giá nguyên liệu làm tàu hũ ky có tăng cao nhưng các cơ sở vẫn bán với mức giá bình ổn.

Những cơn gió đầu xuân se lạnh pha một chút nắng ấm, cũng là lúc bà con ở các làng nghề tất bật chạy đua thời gian, để làm ra được nhiều sản phẩm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của khách hàng.


Ngày đêm đỏ lửa


Đến thăm làng nghề tàu hũ ky Mỹ Hòa (TX Bình Minh) những ngày giáp Tết, chúng tôi cảm nhận được không khí lao động tất bật. Các giàn tàu hũ ky vàng óng trải dài khắp sân nhà, phơi mình trong nắng sớm. Bên trong lò, những người thợ cần mẫn, chăm chút giữ lửa, thoăn thoắt vớt từng lớp váng đậu vắt lên chiếc xào tre… Công việc tất bật, nhưng ai cũng hăng say lao động…


“Tết mà, hàng gấp nên phải mần ngày đêm”- chị Nguyễn Thị Thúy Phượng tay thoăn thoắt vớt váng đậu cho hay, mỗi ca nấu từ 18-20 giờ cũng là ngần ấy thời gian người thợ phải canh lửa sao cho liên tục ổn định, để khi “rạch một vòng và rạch đúng chiều, vớt lên miếng tàu hũ mới đẹp, không rách”.


Nếu như trước, bà con sử dụng nhiên liệu bằng rơm, mỗi ngày chỉ nấu được vài chảo, thì nay máy móc làm thay cùng lúc có thể nấu hàng trăm chảo, mỗi ngày cung cấp ra thị trường từ vài chục đến vài trăm ký tàu hũ. 


Hơn 70 năm hình thành và trải qua không ít thăng trầm, nhưng nghề vẫn được trao truyền và “giữ lửa lò”. Hiện làng nghề có hơn 50 hộ với hơn 200 lao động, trong đó nhiều hộ gia đình có đến 2-3 thế hệ theo nghề. 


Hộ kinh doanh tàu hũ ky Thành Đạt (xã Mỹ Hòa) là trường hợp như vậy. Chủ lò- ông Nguyễn Tấn Thậm cho hay, để cung ứng nhiều sản phẩm cho thị trường, cơ sở đã đầu tư lò hơi, chảo inox vào sản xuất. Điều này, giúp cơ sở giảm khoảng 1/3 chất đốt và khoảng 7 giờ nấu so trước đây. Tiết kiệm nhân lực và góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh, cơ sở còn chú trọng mẫu mã, bao bì và khâu đóng gói, bảo quản nên sản phẩm ngày càng được ưa chuộng.

Những ngày cuối năm, nghề tráng bánh ở xã Lục Sỹ Thành khẩn trương.


Mần hết công suất bán tết


Hòa nhịp không khí sản xuất Tết, những ngày cuối năm, nghề tráng bánh ở xã Lục Sỹ Thành (Trà Ôn) cũng khẩn trương không kém. Ngay từ sáng sớm những vỉ bánh tráng thơm lừng phủ khắp sân nhà ra đến tận rào.
Ngày thường ở đây có khoảng 30 hộ làm bánh, bán thường xuyên cho khách quen, nhưng gần Tết đã tăng lên khoảng 60-70 hộ làm bánh. 


Theo bà Nguyễn Thị Lệ Hằng- cở sở sản xuất bánh tráng Lệ Hằng, thì “mỗi ngày cơ sở cho ra lò 700- 800 bánh, gấp đôi so ngày thường. 4 giờ cô dậy pha bột, nhóm lửa, hừng sáng là bắt đầu tráng bánh cho tới đầu giờ chiều thì ngưng. Đợi bánh khô đem cắt, đóng gói, làm suốt mới kịp giao hàng”. 


Còn theo bà Trần Thị Thúy Liễu- cở sở sản xuất bánh tráng Thúy Liễu, thì “tết này tui phải thuê thêm 2 nhân công, làm 1.000 bánh mỗi ngày mới đủ cung ứng”. Với sự sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo, cơ sở đã tận dụng nông sản sẵn có tại địa phương để cho ra đời các loại bánh mới với hương vị độc đáo như bánh tráng thanh long, bánh tráng mít ruột đỏ, bánh tráng lá dứa, bánh tráng ớt…được người tiêu dùng đón nhận.

Tết này, cở sở bánh tráng Thúy Liễu đưa ra thị trường sản phẩm bánh tráng mít ruột đỏ.


Nhờ sự đồng hành của chính quyền, bà con làng nghề đã không ngừng đổi mới máy móc thiết bị sản xuất góp phần tăng mức độ tin cậy của người tiêu dùng. Từ đó làng nghề ngày càng được nhiều nơi biết đến.


Phó Chủ tịch UBND xã Lục Sỹ Thành- Nguyễn Hoàng Thuận cho hay, xã đã xây dựng đề án phát triển du lịch, di tích lịch sử văn hóa hiện có trên địa bàn gắn với làng nghề để tạo thành một chuỗi liên kết phát triển bền vững trong thời gian tới.

Năm 2013, làng nghề tàu hũ ky Mỹ Hòa được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể; được công nhận sản phẩm đạt chuẩn 3 sao. Nghề làm tàu hũ ky cũng đã được Bộ Văn hóa- TT- DL công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống.  

Bài, ảnh: TẤN TÂN- NGỌC LIỄU

Sưu tầm: https://baovinhlong.com.vn/tin-moi/202501/xuan-ve-tren-nhung-lang-nghe-db22fa1/
 

Ẩm thực

Địa điểm