Đây là "làng bạc tỷ” nổi tiếng nhất đất Vĩnh Long, vô vườn đẹp như phim, "đụng" cây mai vàng cổ thụ tiền tỷ

04/02/2025

Cùng với các làng hoa kiểng khác của miền Tây, Làng mai vàng Phước Định (xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) ghi danh vào “bản đồ” những làng hoa kiểng nổi tiếng nhờ nét độc đáo riêng có.

Đến làng trồng mai vàng Phước Định (xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long), du khách không chỉ ngắm tận mắt, sờ tận tay những cây mai “bạc tỷ”, mà con nghe câu chuyện làng nghề mai vàng truyền thống ngót nghét trăm năm tuổi.

Làng mai vàng Phước Định, xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long) nay trở thành điểm tham quan tự do của du khách gần xa.

“Thủ phủ” trồng mai vàng gần 100 năm trên đất Vĩnh Long

Làng mai vàng Phước Định có tiếng từ lâu, bởi mức độ thuần của cây mai vàng truyền thống có sức sống, giá trị cao được nhiều “tay chơi” mọi miền Tổ quốc biết đến. Cái khác ở chỗ, nơi đây, người dân vẫn trung thành với cây mai vàng 5-7 cánh, không ghép, không “ép” ra hoa.

 

Do đó, cây mai vàng vẫn giữ được “sự thuần khiết” của cây mai xưa, dẫu trải qua hàng chục, thậm chí trăm năm vẫn hiên ngang sức sống, khoe sắc giữa đất trời.

Ông Lê Văn Tý- Giám đốc HTX Mai vàng Phước Định, cho biết làng mai vàng được gọi tên từ những năm 2000. Đến năm 2021, thành lập HTX với 45 thành viên và trên 50.000 gốc mai với nhiều kích thước to nhỏ.

Nói làng mai có 45 thành viên, tuy nhiên, cả ấp Phước Định 1 có gần 100 hộ dân trồng mai vàng, các ấp khác cũng trồng mai tương tự. 

“Theo trí nhớ của tôi, xưa cha ông xứ này đã trồng những cây mai vàng từ 70-80 năm trước. Ban đầu như một nét truyền thống đậm chất Nam Bộ, trồng để chơi, để ra hoa mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Thể hiện một nét đẹp truyền thống bao đời của người xưa là Tết đến mỗi nhà phải có cây mai, nhánh mai chưng, cầu cho một năm làm ăn phát tài, phát lộc”- ông Tý nói với chúng tôi.

Cũng theo ông Tý, Làng mai vàng Phước Định rất được “dân chơi kiểng” khắp mọi miền Tổ quốc tìm đến. 

Khác hẳn các làng mai khác như Bình Lợi (TP Hồ Chí Minh), mai vàng Bình Định, mai Long An,… mai vàng Phước Định vẫn mang dáng vẻ tự nhiên với đầy đủ “nhất đế, nhì thân, tam cành, tứ nụ”, hay có những “lão mai” mang yếu tố “cổ, kỳ, mỹ, văn”.

Đặc biệt là người dân chỉ vào “một nước dây nhẹ”, cũng có khi không cần vào dây, chỉ “rịch cành” để cây mai càng có dáng vẻ tự nhiên, cành bung thể hiện sự sung túc, đủ đầy.

Do đó, cây mai vàng của Phước Định có lợi thế về sự truyền thống, độ thuần cây và có sức sống tốt hơn hẳn so với nhiều loại mai khác, đặc biệt là các giống mai hiện nay cần phải được chăm sóc rất cẩn thận.

Tìm đến nhà ông Tiêu Hùng Minh đã gắn bó với cây mai vàng gần 40 năm, từ hồi nhà còn ở “lút ngoài ngọn vàm”, mai vàng đã nở vàng thắm mỗi khi dịp Tết đến.

Ông Minh cũng là một trong những người đầu tiên tập hợp người dân, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để từng bước tạo được tên gọi “Làng mai vàng Phước Định” như hiện nay.

Theo ông Minh: “Cây mai vàng của nông dân Phước Định đã lắm, mộc mạc nhưng giá trị, thanh cao nhưng không kém phần bình dị. Mai vàng Phước Định cũng “dễ chơi” với giá cả tương đối so với mai vàng các vùng khác.

Có thể gọi Làng mai vàng Phước Định là thủ phủ mai vàng miền Tây khi có rất nhiều thương lái tìm đến mua đưa đi khắp cả nước.

Hiện nay, ngay chính những nông dân trong làng mai cũng đã tự thành lập các điểm tập kết, giao thương trao đổi mai vàng các tỉnh, thành lớn như TP Hồ Chí Minh, một số tỉnh miền Bắc. 

Nhờ thế, danh tiếng mai vàng Phước Định Vĩnh Long ngày càng nổi danh, xứng đáng với lịch sử làng nghề gần 100 năm”.

“Là vừa chơi, vừa là kinh tế cao”

Đó là đúc kết của ông Lê Văn Tý khi nói đến cây mai vàng Phước Định. Theo ông, từ xưa, cha ông đã dành tình cảm quý mến cho cây mai vàng hiện diện trong nhà, trước sân mỗi khi Tết đến.

 

Dần dà, số lượng mai càng nhiều, khi đó, những cây mai đã có tuổi đời cao cũng dần trở nên có giá trị rất cao về kinh tế. 

Làng mai có những cây mai “lão” tuổi đời trên 100 năm. Qua năm tháng, những cây mai này đã được mua bán, giao thương khắp cả nước, tạo nên một dư hương có tiếng cho Làng mai vàng Phước Định.

Những năm gần đây, Làng mai vàng Phước Định dần trở thành điểm tham quan của du khách gần xa, một số hộ dân cũng “thả cửa” để du khách tự do tham quan, chiêm ngưỡng và mua mai vàng.

Bên cạnh đó, để bắt kịp xu thế, ngoài cây mai vàng truyền thống xưa nay, hiện một số người dân cũng chọn trồng những loại mai bonsai mini, mai hàng “trung” có giá trung bình để đa dạng hóa sản phẩm Làng mai vàng Phước Định.

Chú Mười Hòa, nông dân trồng mai vàng Làng mai vàng Phước Định, xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long) bên gốc mai lão (cây mai vàng cổ thụ) hơn 100 năm. Với chú Hòa, cây mai giá bạc tỷ này vừa để chơi trước nhà, vừa là niềm tự hào của làng mai.

Cũng là một “dân chơi” mai vàng có tiếng trên 30 năm, chú Trần Văn Hòa (Mười Hòa) cũng vừa trồng, vừa kinh doanh mai vàng có tiếng ở làng nghề. Ban đầu, vườn nhà chú có những cây mai vàng “đúng gốc Phước Định” tuổi đời trăm năm.

Những cây mai này rất có tiếng và được nhiều “đại gia” săn lùng. Vừa nói, chú vừa dẫn chúng tôi đi quanh sân trước, khu vườn sau nhà toàn cây mai thuộc “hàng khủng”, mà theo chú, cũng có nhiều người trả giá nhưng chưa “cho ra” vì chưa được như mong muốn.

Nổi bậc nhất trong sân vườn nhà chú Hòa chính là những gốc mai hoành trên 120 (120cm), “lão toàn thân” đến nổi “hết da” nhưng sức sống mãnh liệt, chi cành lực, lá xanh đen.

Chú Hòa chỉ tay về phía cây mai “5 tỷ” và cho biết giá đó là giá người ta tự trả chứ không phải chú “kêu”. Nhưng chú không bán vì nghĩ đây là cây mai có giá trị trong làng nghề, nên giữ lại.

“Làng nghề mai vàng Phước Định đã có giá trị về thương hiệu, giá trị về mặt kinh tế. Do đó, nếu không có những cây mai trị giá hàng tỷ đồng thì làm sao so với các làng nghề khác trên cả nước.

Ông Lê Văn Tý- Giám đốc HTX Mai vàng Phước Định

Cái hồn cốt ở Làng mai vàng Phước Định vẫn là những cây mai vàng 5-7 cánh truyền thống, cánh hoa dày, bung đều, bông chùm cùng với sức sống mãnh liệt, có độ bền cao, thân dáng chi cành tự nhiên... Đây chính là điểm để làng mai luôn tồn tại được với thời gian, với sự đổi thay, cạnh tranh của hàng trăm giống mai trên thị trường. Hết đời tôi, còn những đứa con, đứa cháu cứ tiếp tục với cây mai vàng của xứ Phước Định, mãi tự hào với làng nghề trăm năm này!

Mấy năm trước, tui thường bán mai vàng Phước Định ở khu chợ hoa Tết Tao Đàn TP Hồ Chí Minh, mai của mình có giá hàng tỷ, xứng đáng cạnh tranh sòng phẳng với những cây mai hàng dữ của các làng mai khác”- chú Hòa tự hào nói.

Trong sân trước của chú Hòa, ngoài cây mai vàng 5 tỷ, còn có 4 cây mai khác cũng có giá từ 1-3 tỷ đồng. Nhìn sân nhà đơn sơ, nhưng nhẩm tính giá trị của những cây mai ngót nghét cả chục tỷ đồng.

Con số đó cũng làm cho chúng tôi phải nở mày nở mặt vì từ nghề trồng mai vàng truyền thống, những nông dân tỷ phú có đời sống kinh tế khá giả, sang giàu…

“Nhiều hộ đã trở nên khá giá, sung túc nhờ cây mai vàng”- ông Trương Thành Điền- Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Hòa Phước, nói chắc nịch như vậy. Toàn xã có khoảng trên dưới 80% người dân trồng mai vàng, trong đó nhiều nhất ở ấp Phước Định 1, 2.

“Cây mai vàng của Phước Định từ lâu đã có tiếng và trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương. Đặc biệt, giá trị kinh tế của cây mai vàng rất cao từ lâu là trở thành nguồn thu nhập ổn định cho người dân”- ông Điền chia sẻ.

Tác giả: Nhóm PV Kinh tế (Báo Vĩnh Long)
Sưu tầm: https://danviet.vn/day-la-lang-bac-ty-noi-tieng-nhat-dat-vinh-long-vo-nha-nao-cung-dung-mai-vang-co-thu-tien-ty-20250202224252713.htm?gidzl=DsckKBpqe2emSAjGlUAdBZ9vf56YjgmlA2pmM_2_-2zvTFHGexogA2ftfLBrxVrwVtQaKc6-gZfDkFAXA0

 

Ẩm thực

Địa điểm