Di sản văn hóa Vĩnh Long mời gọi du khách tham quan trải nghiệm…

06/05/2025

Từ lâu nói đến Vĩnh Long du khách thường nghĩ đến, điểm đến hai dòng sông, sông Tiền và sông Hậu, nơi đó có sông nước miệt vườn, bốn mùa cây lành trái ngọt. Hôm nay, về Vĩnh Long du khách thỏa thích tham quan trải nghiệm di sản đương đại gạch gốm Mang Thít, xem di sản Nghệ thuật hát bội Vĩnh Long…

Đoàn Famtrip tham quan chụp ảnh lưu niệm với con đường gốm đỏ dài kỷ lục.

 

Theo Đoàn Famtrip xuôi dòng Cổ Chiên về làng gạch gốm Mang Thít-di sản đương đại của Vĩnh Long. Bồng bềnh sông nước đến kinh Thầy Cai nơi “vương quốc gốm đỏ” tận mắt thấy những lò gạch gốm rêu phong cổ kính. Đoàn đã được nghe câu chuyện nghề gạch gốm Vĩnh Long hình thành và phát triển hơn 100 năm nay.

 Những bậc cao niên cho biết nghề sản xuất gạch, ngói xuất hiện tại Vĩnh Long vào đầu thế kỷ XIX, ở khu vực Nam sông Cổ Chiên. Đến những năm giữa thế kỷ XX, toàn tỉnh có 39 lò hoạt động sản xuất gạch ngói nung, lao động làm gạch ngói, tại thời điểm đó có khoảng 600-800 người. Đến những năm đầu thế kỷ XXI, số lượng lò gạch tăng mạnh lên 2.284 miệng lò. Còn nghề gốm mỹ nghệ ra đời từ năm 1983 và phát triển mạnh từ năm 1997. Gốm mỹ nghệ Vĩnh Long có hàng ngàn mẫu mã khác nhau đã có mặt nhiều châu lục và nhiều nước trên thế giới như: châu Âu, Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản… với sản lượng sản xuất gần 50 triệu sản phẩm/năm, trở thành thương hiệu nổi tiếng “Gốm đỏ Vĩnh Long”. Vĩnh Long đã công nhận 7 làng nghề sản xuất gạch ngói gốm mỹ nghệ, trong đó huyện Mang Thít có 6 làng nghề. Giá trị sản lượng của ngành nghề sản xuất gạch ngói chiếm 37,19% tổng giá trị sản lượng ngành nghề nông thôn và chiếm 56,88% giá trị sản lượng nhóm ngành sản xuất vật liệu xây dựng của tỉnh Vĩnh Long.

Đoàn Famtrip du thuyền tham quan Di sản đương đại gạch gốm Mang Thít.

 

Hôm nay, về “vương quốc gốm đỏ” Mang Thít không còn cảnh nhộn nhịp làm gạch, làm gốm như thuở nào nhưng di sản gạch gốm vẫn còn đó. Để xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù Vĩnh Long mời gọi du khách trong và ngoài nước, UBND tỉnh Vĩnh Long đã quyết định bảo tồn lò gạch, gốm thuộc Đề án di sản đương đại gạch gốm Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Theo đó, toàn bộ vùng di sản hơn 3.000 ha thuộc 04 xã: Mỹ An, Mỹ Phước, Nhơn Phú, Hòa Tịnh và một phần vùng đệm di sản 5.000 ha thuộc 02 xã: An Phước và Chánh An làm cơ sở xác định phạm vi khoanh vùng dừng tháo dỡ lò gạch và phát triển Đề án.

Mục tiêu Đề án di sản đương đại Mang Thít, là chính sách đặc thù của tỉnh hỗ trợ một phần chi phí bảo tồn lò gạch, gốm để đưa ra một mô hình phát triển kinh tế-xã hội sáng tạo, bền vững và nhân văn, dựa trên việc khám phá, thiết kế, khai thác các mô hình sáng kiến về chuyển đổi công năng, quy hoạch không gian cũng như tính khả thi về các chương trình hoạt động đầu tư mang lại sức sống mới để di sản Mang Thít thực sự hội đủ các yếu tố hình-lý-khí để trở thành một điểm đến và điểm dừng mang tầm cỡ quốc tế. Thực hiện chính sách hỗ trợ để các lò gạch, gốm được bảo tồn và phát triển “vương quốc lò gạch” Mang Thít trở thành một vùng di sản đương đại có giá trị mang tầm cỡ quốc tế, một điểm trên bản đồ du lịch khu vực phù hợp với chiến lược phát triển bền vững kinh tế, xã hội của địa phương và của quốc gia trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, văn hóa và hệ sinh thái địa phương.

Đoàn Famtrip thích thú tham quan trải nghiệm, tận mắt thấy được đất sét-nguyên liệu quý giá để làm nên những sản phẩm gạch, gốm Vĩnh Long nổi tiếng trên thế giới. Đoàn Famtrip đánh giá cao di sản đương đại gạch gốm Mang Thít, là sản phẩm du lịch đặc thù “độc nhất vô nhị” vùng Đồng bằng sông Cửu Long để xây dựng tour hành trình về Di sản đương đại gạch gốm Mang Thít cho du khách trong và ngoài nước.

Du khách thích xem hát bội Vĩnh Long.

Các thành viên trong đoàn Famtrip đã được xem hát bội Vĩnh Long. Câu lạc bộ hát bội Đồng Thinh đã diễn trích đoạn vở tuồng “Câu thơ yên ngựa” phục vụ cho Đoàn. “Câu thơ yên ngựa” kể lại một giai đoạn hào hùng của dân tộc với những nhân vật đan xen nhau trong những rối ren thời cuộc, yêu ghét, chính tà, mạnh yếu, xung đột quyền lợi, chọn lựa, hy sinh… Trên phòng tuyến sông Như Nguyệt, tương truyền Lý Thường Kiệt đã để lại “bài thơ thần” được đời sau xem như tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước nhà. “Nam quốc sơn hà” để khích lệ tinh thần quân sĩ Đại Viêt: Nam quốc sơn hà Nam đế cư/Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/Nhữ đẳng hành khang thủ bại hư.

Sau khi xem xong trích đoạn vở tuồng “Câu thơ yên ngựa” các doanh nghiệp lữ hành mong muốn đặt hàng Câu lạc bộ hát bội Đồng Thinh diễn phục vụ du khách. Bởi đây là sản phẩm du lịch đặc thù độc đáo ít nơi nào có được, hấp dẫn du khách tham quan trải nghiệm.

Bởi thời kỳ hoàng kim của nghệ thuật hát bội, tỉnh Vĩnh Long có nhiều đoàn hát bội như ở Vũng Liêm, Mang Thít, Trà Ôn…Các gánh hát bội ở Vĩnh Long nổi tiếng một thời: Tân Phước Lập, Đồng Thinh, gánh Bầu Luông (của gia đình nghệ sĩ nhân dân Thành Tôn), Bầu Xẫm, Bầu Mầu, Bầu Võ, Bầu Đây…Có nhiều gia đình 3-4 thế hệ tiếp nối nhau theo nghề hát bội, như gia đình nghệ nhân Ba Biếc, Bầu Răng, Vũ Linh Tâm…Tiếc thay, theo dòng thời gian, thăng trầm lịch sử nghệ thuật hát bội Vĩnh Long cũng như ĐBSCL bị mai một dần, hiện Vĩnh Long chỉ còn duy nhất Câu lạc bộ hát bội Đồng Thinh (Đoàn nghệ thuật tuồng cổ  Đồng Thinh).

Nghệ nhân ưu tú Vũ Linh Tâm - Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát bội Đồng Thinh cho biết: Câu lạc bộ hát bội Đồng Thinh có chương trình diễn hát bội phục vụ du khách với mỗi chương trình trích đoạn khoảng 20 phút, mỗi show diễn chi phí 5.000.000 đồng. “Câu lạc bộ hát bội Đồng Thinh không chỉ show diễn phục vụ du khách mà còn phục vụ lễ hội các nơi nhằm tạo điều kiện hoạt động để tiếp tục giữ gìn nghệ thuật truyền thống hát bội. Tôi rất mừng là trong thời gian qua, Câu lạc bộ hát bội Đồng Thinh đã đào tạo truyền nghề hát bội được hơn 30 diễn viên trẻ. Các em đã diễn rất tốt…” Nghệ nhân ưu tú Vũ Linh Lâm chia sẻ.

Các thành viên Đoàn Famtrip chụp ảnh lưu niệm với các diễn viên hát bội vở tuồng “Câu thơ yên ngựa”.

Tại Lễ khai mạc Tuần lễ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long năm 2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh, cho rằng: “Vĩnh Long-vùng đất nằm giữa hai nhánh sông Tiền và sông Hậu, có lịch sử hình thành và phát triển gần 300 năm; con người miền sông nước Vĩnh Long nghĩa tình, hiền hòa, hiếu khách. Vĩnh Long không chỉ là nơi sản sinh ra nhiều bậc hiền tài mà còn là vùng đất ghi nhiều công trình văn hóa, di tích lịch sử phong phú. Văn Thánh Miếu-“Quốc Tử Giám phương Nam”, Công Thần Miếu lưu giữ 85 đạo sắc phong quý giá; Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Giáo sư-Viện sĩ Trần Đại Nghĩa…

Du lịch tỉnh nhà đã và đang ghi nhận nhiều dấu ấn, đang dần được bạn bè, du khách gần xa tìm đến. Những thành quả ấy là kết tinh từ sự đồng lòng của người dân và sự đổi mới tư duy của ngành du lịch tỉnh nhà. Ban tổ chức hy vọng rằng, thông qua các hoạt động của Tuần lễ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long năm nay, sẽ tiếp tục giới thiệu về một Vĩnh Long vừa giàu bản sắc văn hóa; vừa năng động, hiện đại, góp phần để Vĩnh Long ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách gần xa./.

                                                                                      Bài ảnh: Huỳnh Biển

Ẩm thực

Địa điểm